Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Những ngày “cuối học kì”, thực sự chỉ muốn đi hết những nơi cần đi, làm hết những việc cần làm. Đã mang tiếng sinh sống và làm việc ngoài Bắc, thì còn có vài chỗ chưa đi, nhân dịp tuổi còn trẻ, người còn sức, thôi thì đi vậy. Thế nên chuyến đi bão táp trong vòng 4 ngày 4 đêm đã bắt đầu như thế.
Tổng cộng đã vượt qua chặng đường hơn 1000km bằng xe máy, chưa kể những chuyện gặp trên đường, những đoạn offroad không tìm thấy trên Google maps,... Một cuộc hành xác đúng nghĩa, giờ bắt buộc phải kể.
Ngày 0: Xuất phát Thanh Kim - Bảo Yên - Lục Yên, 130km
Đường từ Thanh Kim - Tả Thàng - Phố Lu mình đã quá thuộc sau chuyến đi Hà Giang vào tháng 3 vừa rồi. Chỉ là không muốn đi qua đoạn Quang Bình - Việt Quang xóc hết cả ruột gan, và cũng muốn đi luôn cung Ba Bể - Cao Bằng nên mình chọn đi hướng về phía Yên Bái - Vĩnh Tuy.
Lúc đến Lục Yên đã hơn 7h tối, mình định sẽ cốđi thêm 30km đến Vĩnh Tuy rồi mới nghỉ đêm, thì vừa đi được thêm 2km, trời bắt đầu mưa. Người tính không bằng trời tính, mình quay lại Lục Yên nghỉ ở Nhà nghỉ Nắng Vàng, phòng đơn 120k/đêm (sau khi deal giá), có nước nóng lạnh, TV, wifi, quạt máy.
Phòng có TV mà lâu rồi không xem,không quen, nên bật được một lúc là mình tắt luôn, không biết rằng tối hôm đó có truyền hình trực tiếp Lễ hội Chợ tình Khâu Vai.
Ngày 1: Lục Yên - Vĩnh Tuy - Ba Bể - Bắc Cạn - Phia Đén, 366km
Nghỉ một đêm tới sáng thức dậy. Trời vẫn mưa lất phất. Muốn ngủ thêm mà cái đài radio địa phương cứ léo nhéo mãi từ 5h sáng, cuối cùng cũng phải dậy. 6h30 sáng trả phòng, thêm điểm cộng cho chỗ này vì anh nv Lễ tân kute có con mèo kute không kém. Ngay tủ đứng của quầy lễ tân có cái hộc, tối, con mèo chui vào ngủ tránh lạnh. Sáng, anh mở tủ cho nó chui ra, thật là ngộ nghĩnh hết sức. Sau khi được anh chỉ đường, mình đi ăn bánh cuốn trứng 10k/phần (rẻ ngơ ngác), uống 1 viên sâm, tiếp tục lên đường.
Cứ theo Google maps mà đi, dù là đường tỉnh lộ hay Quốc lộ thì cũng may là đường đẹp, nên tới hơn 12h trưa là mình đến được nhà nghỉ Hoàng Nguyên (Homestay Ba Be Lake), ăn trưa. Vừa hay đi đến lúc chủ nhà đang chuẩn bị cơm, thế là mình được ăn chung suất nội bộ có đủ các món đặc sản: cá hồ, rau ngót rừng, măng chua, rượu men lá,... Được chia sẻ đủ chuyện luôn mà hết có 30k. Sau khi biết mình có ý định đi Chợ tình Khâu Vai, chủ nhà cũng không giữ, tiễn mình đi Bảo Lạc cho sớm.
Và, vì đi quá sớm, nên mình đã chủ quan trong phút chốc, phóng xe 1 mạch theo trí nhớ để đến khi nhận ra mình đi lạc thì đã quá muộn (Phương Viên, cách hơn 35km), mà đã thế còn gan lì không quay đầu lại, phóng tiếp đến tp Bắc Cạn, rồi mới quay về Ba Bể theo đường 258, rồi tiếp tục đi theo hướng ấy về Bảo Lạc.
Tầm 6h30, trời bắt đầu tối và lạnh dần, mình đã có ý định nghỉ lại nên được giới thiệu nhà nghỉ Hoàng Gia ngay chợ Phia Đén. Đi ngang thấy tắt đèn đóng cửa, nên tự nghĩ hay thôi cứ cố đi đến Bảo Lạc cho đúng lịch trình. Đi thêm tầm 3km thì gặp 1 ngã 3, ghi hướng đi Bảo Lạc chỉ có 68km. Theo mình nhớ hồi trưa có nói chuyện thì phải là 82km, lẽ nào đây là đường tắt sang Bảo Lạc? Nếu là đường tắt thì cứ đi vậy... Nói thì nói thế, nhưng vừa qua được 3km nữa thì gặp đoạn đường xấu khó tả. Theo kinh nghiệm thì chính là cái kiểu hậu quả do xe công gây ra: đường nhựa hóa đường ổ voi, đá hộc. Không thể tiếp tục (vì các anh chị người bản địa nói 8km tiếp theo đường vẫn sẽ xấu như thế), mình đành ngậm ngùi quay lại chợ Phia Đén (7km, “mua đường” hẳn 14km!) gọi chủ nhà nghỉ, ngủ lại. Phòng đơn 150k/đêm, nhà vệ sinh chung có nước nóng lạnh, wifi chập chờn, điện cũng chập chờn. Trước khi đi ngủ mình lôi hũ cao Bạch hổ ra xoa toàn thân, vừa giữ ấm vừa trị đau nhức mệt mỏi. Ngủ một lèo đến sáng.
Ngày 2: Phia Đén - Tĩnh Túc - Bảo Lạc - Khâu Vai - Mèo Vạc - Bảo Lạc - Tĩnh Túc, 298km
Sáng ra, mới hơn 5h mình đã tỉnh, muốn ngủ thêm nhưng nghĩ đến chặng đường phía trước còn dài, chợ Khâu Vai không thể lỡ vì hôm nay đã là ngày cuối, nhanh chóng thu xếp, trả phòng. Buổi sáng bước ra khỏi cửa phòng, là quang cảnh ruộng bậc thang phía xa, và đủ thứ tiếng chim kêu líu ríu. So với Thanh Kim thì ở đây vẫn hoang sơ hơn nhiều. Trả phòng xong, lại đi ăn bánh cuốn. Lần này còn rẻ ác, có 7k/dĩa, mình trả luôn 10k cho vuông, sau đó lại uống một viên sâm, lên đường.
Tối hôm qua, lúc lên nhận phòng, rõ ràng chú chủ nhà có dặn áo mưa các thứ để dưới sân nhớ chèn lại, sợ nửa đêm gió to bay mất, nên mình đã xếp gọn áo mưa, găng tay để ngay trước, sau đó lấy cái mbh 3/4 chằn lại. Thế mà bộ áo mưa và mbh đây, còn đôi găng tay đâu? Quay xe ngược từ chỗ ăn sáng về nhà nghỉ cách mấy căn, mình lượm được 1 chiếc găng tay rơi giữa đường. Còn chiếc nữa đâu? Đang hoang mang nhìn quanh quất thì có 1 chú cún đang vô tư gặm cái găng tay của mình. Trời ạ! Mày cũng nhanh quá thể. Thế là mình quyết ra gặp nó nói rõ trắng đen, giành lại thứ thuộc về mình. Một chị đang ngồi bế con bên đường nhìn rõ sự việc, trân trối không biết nói gì. Con chó sau khi tranh chấp thất bại, lủi thủi đi nhặt bao nilon gặm tiếp. Mình lại lên đường.
Cứ thế phóng xe theo Google map đến Bảo Lạc, cảnh đẹp nhất chính là đoạn rừng trúc độc thân trùng điệp như phim Thập diện mai phục (trích lời một người quen nào đó), rồi qua cầu rẽ đi theo ĐT217, khoảng 58km là tới. Không biết ai vẽ ra cái con đường này rồi đặt tên cho nó, chứ mình càng đi càng thấy nó không có vẻ gì là đường tỉnh. Lỡ đi rồi thôi chứ mình quyết tâm vòng về sẽ không đi đường này. Mà kể cả muốn thì cũng không có khả năng vượt qua nó lần nữa.
Đoạn đầu thì còn có chút khả quan là đường nhựa nhỏ, sau đó là đường bê tông nhỏ, sau đó nữa mình đến Cốc Pàng. Nhìn đường có một lối rẽ bên trái, đường đất đỏ rất xấu, rất hẹp, đường bên phải thì bằng hơn một tí. Đi một phát mấy km sang đến khu dân cư có biển toàn bằng chữ nước bạn, mở điện thoại ra xem thì có lẽ mình chỉ còn cách nước bạn vài chục mét, hoặc mình đã sang đến nước bạn không chừng. Quá hoảng hốt, mình quay ngược về Cốc Pàng, hỏi đường đi Cốc Phung. Một chú người địa phương chỉ hướng cái đường đất đỏ xấu man rợ kia, sẵn vẫy đứa cháu nhỏ đang mặc đồng phục học sinh, bảo nó “Đi theo cô”. Lần đầu tiên mình thấy dịch vụ chỉ đường “có tâm” đến thế. Cho đến lúc đứa bé leo lên ngồi đằng sau xe mình, mới tin là có kiểu vừa chỉ đường vừa đi nhờ. Trời tự nhiên mưa lất phất. Mình chỉ muốn khóc bằng tiếng mẹ đẻ rằng không muốn đi tiếp nữa. Hỏi chú đường tiếp theo vẫn xấu như này á, thì chú bảo, đi được mà... Thế là cắn răng đi. Đã vậy còn mang trọng trách đưa đứa bé ngồi sau lưng về nhà an toàn. Đường cứ như thế, dốc lên rồi xuống, đường đất đỏ hẹp như bao nhiêu con đường bản huyền thoại.
Đến Cốc Phung, đến nhà bé gái gặp phụ huynh của bé, lại hỏi đường đi Khâu Vai, chị ấy bảo vốn không đi đường này mới đúng. Mà giờ thì đi hướng Nà Hu thôi, nhưng đường khó đi lắm. Quay lại cũng không thể rồi, đâm lao phải theo lao vậy. Lại quay ra đi Nà Hu. Đến Nà Hu lại hỏi đường một bạn nam kute, bạn ấy bảo đi Khâu Vai thì cứ thẳng 1 đường đi thôi, đường nhỏ nhưng đi được ấy mà. Vâng, đối với dân bản các bạn, đường ngựa thường đi được thì ngựa sắt cũng đi được. Còn đối với tôi không như thế. Tôi lại đi theo những đoạn đường bản, đất đỏ, hẹp, dốc lên rồi xuống, cho đến một đoạn dốc không thể dốc hơn. Thắng xe lại, suy nghĩ. Theo Google map thì chỉ cần qua khúc cua này là sẽ qua một cây cầu vượt sông Nho Quế, sau đó mình có thể đến Khâu Vai rồi. Nhìn sơ đoạn sông trước mắt, mình chả thấy cây cầu nào, ngỡ là nó ớ xa nên bị khuất. Một chú đi ngược đường chỉ cho mình cái tháp Viettel ở Khâu Vai phía bên kia sông chỉ còn cách chục km, rồi báo trước với mình rằng đường khó đi lắm, nhất là con gái thì... Mà nói thế chứ nói nữa chú cũng không có ý định chạy xe giúp mình qua đoạn khó nhằn ấy. Thế là mình xốc lại tinh thần, niệm đủ các loại thần chú bằng đủ các ngôn ngữ, toàn thân tập trung cao độ, mồ hôi đầm đìa, cuối cùng cũng xuống hết đoạn dốc siêu dốc đến bờ sông. Ở đó, mình hốt hoảng nhận ra không có cây cầu nào, mà chỉ có một cái bè trúc luân chuyển người qua sông. Và hốt hoảng hơn nữa chính là đoạn đường sau khi rời bến sông kia lên Khâu Vai: đường đất đỏ, dốc, và hoàn toàn không thấy điểm kết thúc của con dốc.
Cái bè trúc này, 4 năm trước khi đi Mường Lát - Sài Khao, mình tiếc không được thử vì khi mình đến thì cầu đã xây xong. Nhưng hôm nay mình không muốn thử một chút nào, nhất là sau khi thấy cái đoạn đường kế tiếp. Hơn 10km nữa là đến Khâu Vai, lúc này đã là hơn 12h. Qua sông, trả 10k tiền phí xong thì mình bắt đầu thử leo lên con dốc kia. Sau 20m đầu tiên, mình ngã xe. Cũng không có gì lạ. Kinh nghiệm rất nhiều lần cho thấy chỉ việc leo ra khỏi chiếc xe, phần còn lại ắt có người lo. Quả nhiên chưa đến 1 phút sau, 1 nhóm các bạn trẻ đi chợ tình về, gặp cảnh éo le của mình, hộ mình dựng xe và chạy thêm 1 đoạn lên trên. Mình chỉ cần cảm ơn và lội bộ lên. Cứ như thế 3 lần liên tục - ngã, đứng dậy, có người chạy hộ mới hết con dốc oái oăm này. Đi thêm 1km đường bản nữa, là ra khỏi cái đoạn đường ĐT217 hoàn toàn không nên đi kia, ra đến đường to, phóng một cái vèo là đến Chợ tình Khâu Vai.
Trong hơn 1 tiếng mình vật vã từ Cốc Pàng sang Khâu Vai cũng là lúc chợ tan, hoàn toàn. Bởi vậy mình mới gặp nhiều “đội cứu hộ” giữa đường như thế. Ban đầu lúc đi từ Bảo Lạc sang, vẫn thấy người ta ở nhà, chả ai có ý định đi chợ tình chơi, mặc dù hôm đó là Chủ Nhật. Sau khi đi rồi mới biết, người ta ở nhà cũng phải vì đường đi xấu thế này cơ mà. Rồi lại thấy những gia đình, những nhóm nam thanh nữ tú, nhóm học sinh ríu rít đi từ chợ về, tay xách nách mang đủ loại đặc sản, thì cũng biết là cái chợ tình này tính ra cũng có giá trị với người dân ở đây. Cứ thế đến nơi thì chợ tan đúng nghĩa, 1 gian hàng cũng không còn, thậm chí quán ăn cũng chỉ còn 1 sự lựa chọn duy nhất là thắng cố.
Việc đầu tiên làm sau khi đến đây, chính là đến viếng Miếu Ông, Miếu Bà. Cũng không rõ thần thoại kia có thật hay không, nhưng mối tình này đúng là mãnh liệt hiếm có, hai người ấy cũng can đảm hiếm có mới đến với nhau và giữ hẹn ước với nhau như thế. Việc thứ hai mình làm chính là đi tu bổ lại chiếc xe máy vừa bị hành hạ suốt 2 ngày qua, nhất là sáng nay, bonus thêm là sau khi ngã 3 lần thì cái gương chiếu hậu bên phải cũng biến mất không dấu vết. Việc thứ ba, là đi tìm đồ ăn. Quá đói. May thay có một hàng Bún miến phở đang còn người tụ tập sau phiên chợ, mình vào gọi tô bún ngan ăn thử. Cô chủ nhà bưng ra tô bún gà (không phải ngan), mà thôi kệ. Sau khi tiếp nạp thêm năng lượng, định đi, thì trời mưa. Mình trả tiền xong, một anh bạn bàn bên cũng vẫy vào uống ly Bia Sài Gòn (không phải Bia Hà Nội!) giao lưu. Thôi thì, dù gì trời cũng đang mưa, nữa là đi dự Chợ tình, ngồi uống ly bia mới hợp tình. Dăm câu ba sợi hết tầm 20p, mưa ngớt, mình xin phép ra về kẻo muộn.
Sau đó, mình cứ thế đi thẳng về Mèo Vạc, định là thế, cơ mà… Ra khỏi cổng chào, dừng lại chụp hình toàn cảnh Khâu Vai. Từ đây mới thấy rõ, Ông Bà ngày trước chọn nơi đây mà trốn nhà cũng thật là sáng suốt. Cảnh đẹp như thế lại còn biệt lập, không ai ngờ đến. Chỉ tiếc không thể sống hạnh phúc ở đây cùng nhau. Vừa qua một đoạn là thấy cảnh bắt vợ. Vài ba thanh niên đi xe máy đang chặn đường hai cô gái cũng đi xe máy. Một cô ngồi trông xe còn cô kia – “đối tượng bị bắt” đang cố vùng ra. Có lẽ là không muốn bị bắt thật. Phía trên một đoạn, có một cặp đang dừng xe xem cảnh bắt vợ, chị ngồi trên xe, anh dùng điện thoại quay lại. Chắc anh cũng mới thấy cảnh này lần đầu, hoặc là thấy vui mắt thì quay lại. Mình vẫn cứ phóng.
Đi thêm một đoạn, đến ngay sân khấu chính của Lễ hội, nơi người ta đã tháo dỡ gần hết, bên cổng Mê cung đá, có mấy bác trung niên người Kinh đang diện áo dài áo hoa tung tăng check in các kiểu.
Lại đi tiếp thì đến đoạn có những nương ngô ngay trên cao nguyên đá, như người ta vẫn tả là vùi hạt ngô vào hốc đá cho nó nảy mầm. Mình định đi nhanh một chút thì phải kìm lại vì đường thì đẹp mà chênh vênh quá, một bên là đồng không thoáng gió, một bên là vực sâu hun hút, ven đường không hề có rào chắn gì. Cái đứa không sợ trời không sợ đất như mình đi đến đây cũng phải thấy sợ độ cao. Lại thêm một đoạn đường giữa bạt ngàn núi đá tai mèo sắc nhọn, đến nỗi cứ có cảm giác gió mà thổi mạnh tí thì người và xe cùng bay xuống dưới rồi chẳng khác nào rơi vào hố chông bằng đá.
Qua hết đoạn đấy thì gặp ngay mấy hàng quán, thấy người tụ tập rất đông. Mấy cô gái người Mông Hoa mặc những bộ đồ lóng lánh không khác gì trong phim cổ trang, kể ra cũng chịu khó thật. Mình dừng lại đổ xăng, sẵn hỏi xem có dịp gì mà đông vui thế, bác bán xăng bảo: “Dịp gì đâu, người ta đi chơi chợ về ngồi tụ tập uống rượu ấy mà”. À, ra vậy.
Đi thêm một đoạn nữa, tưởng không còn gì để xem nữa thì gặp ngay ruộng tam giác mạch hồng, thu phí chụp hình 10k/người. Hai thằng nhóc người Mông ngồi thu phí còn cầm cờ đỏ sao vàng Việt Nam, có vẻ “ekip” ý thức rất rõ đây là lễ hội được Việt hóa. Khi nãy ngồi uống bia, anh kia bảo người Mông ở Hà Giang không biết nhiều, làm kinh tế nhiều như ở Sa Pa. Nhưng đây, gia đình người Mông này đã bỏ công sức canh tác tam giác mạch từ Tết để có hoa kịp mùa này rồi thu phí đấy thôi. Từ từ rồi sẽ có nhiều người làm giàu như thế. Mình chụp hình hoa thì ít mà chụp 2 đứa nó thì nhiều. Trong ba lô có ít kẹo mang theo làm thực phẩm dự trữ, mình chia cho chúng nó mấy viên sẵn hỏi chuyện làm quen.
Qua thêm một đoạn, gặp một gia đình đang gùi đay hay cây gì đó. Có đứa bé nhìn vóc người chắc chỉ tầm 6-7 tuổi mà vẫn gùi một gùi to gấp mấy lần vóc dáng nhỏ bé của nó. Nhìn mà đau lòng. Vẫn biết đây chính là cái nếp sống của người Mông, chính là cách họ luyện sức khỏe phi thường cho thế hệ sau. Nhưng, có thể nào dùng cách khác ít tàn nhẫn hơn không?
Cứ thế, mình đã đi ra khỏi địa phận Khâu Vai. Đại ý, ở Khâu Vai không lâu nhưng trải nghiệm thế cũng đủ.
Phóng xe về Mèo Vạc, cũng phải dừng lại chụp tấm hình đài quan sát và toàn cảnh thị trấn, sau đó mới theo QL4C về Thủy điện Bảo Lâm, QL34 về Bảo Lạc – Tĩnh Túc.
Theo kế hoạch, chuyến đi này là “chốt hạ” miền Bắc, sẽ check-in nốt luôn thác Bản Giốc – Cao Bằng. Nếu ngày đầu tiên mình không đi lạc, thì sáng nay đã đến Khâu Vai và chơi đến trưa thì bắt đầu về lại Cao Bằng là vừa đẹp. Thế mà kế hoạch hỏng bét. Thành ra mặc dù đã về chiều mình vẫn tự nhủ: nếu về Tĩnh Túc trước 8h30 tối thì sẽ cố thêm 50km nữa về Cao Bằng, dù gì thì cũng là về thành phố mà.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Lúc cách Tĩnh Túc 22km thì sương mù dày dặc, trời tối nên mình hoàn toàn không thấy gì. Đi được vài mét lại phải dừng. Thỉnh thoảng may nhờ có xe từ đằng sau vượt lên thì còn kéo theo được vài chục mét. Sau đó mình lại giở các phương án tĩnh tâm cầu nguyện, tự hứa chỉ cần về được đến Tĩnh Túc là sẽ nghỉ lại. Nhà nghỉ thì lúc sang đi ngang có để ý thấy rồi. Cuối cùng, không rõ có phải là được phù hộ thật không, mà có một chiếc xe oto 4 chỗ màu trắng vượt lên dẫn mình đi một đoạn tầm 1km. Sau đó bắt đầu xuống dốc, trời bớt mù dần. Về đến Tĩnh Túc, trời không còn mù mà chỉ mưa lất phất, mình định phá lời hứa khi nãy cố về Cao Bằng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, trời thương mình thì cũng thương đến thế thôi, đừng cố quá mà tự hại mình. Nên là, gõ cửa nhà nghỉ, vào nhận phòng. Phòng đơn 100k/đêm, nhà vệ sinh chung không có nước nóng, chủ nhà lớn tuổi nên không có wifi trong nhà. Nhận phòng, ăn tối, vệ sinh cá nhân xong, mình lại bôi một lượt cao Bạch hổ cho ấm người, quấn chăn ngủ.
Ngày 3: Tĩnh Túc - Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái Nguyên - Hà Nội, 335km
Sáng, mình thức dậy lúc hơn 4h. Nếu mình muốn đi xe máy về đến Thanh Kim vào trưa ngày mai, thì ít nhất tối nay phải về đến Vĩnh Tuy (cách Thanh Kim 165km) và trong ngày hôm nay mình phải hoàn tất chặng đường Tĩnh Túc – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc – Vĩnh Tuy (515km). Càng nghĩ càng thấy không thể. Thức dậy sớm hóa ra lại có cái hay, thừa thời gian mình lại tìm một đường khác, đó là cả người và xe lên oto về Lào Cai/ Sa Pa. Ngặt nỗi từ Cao Bằng lại không có xe về Lào Cai/ Sa Pa, thế thì phương án cuối cùng là mình đi thẳng về Hà Nội sau đó cả người và xe đi oto về Sa Pa. Tạm thời cứ có 2 chọn lựa là đi xe máy về Vĩnh Tuy và Hà Nội như thế. Sau khi đến Cao Bằng và xác nhận không có xe oto đi Lào Cai, thì kế hoạch chắc chắn là đi xe máy về Hà Nội và đi oto về Sa Pa.
Kế hoạch đã chốt như thế nên từ lúc đến Cao Bằng, cuộc sống của mình vô cùng nhàn hạ. Ăn sáng bánh mì pate trứng, uống café, xe máy gửi lại quán ăn sáng rồi lên xe buýt đi thác Bản Giốc. Từ Cao Bằng đến thác Bản Giốc 91km, đi xe buýt hết 2g, chính xác là 2g10p, thì so với đi xe máy cũng không chậm hơn là mấy. Tuy có bất tiện là không được dừng lại chụp hình nhưng lại được nghỉ ngơi thư giãn xíu. Thế nên mình cứ thế ngồi xe buýt đến thác Bản Giốc, lượn chơi chụp ảnh hết 1 tiếng rồi lại lên xe buýt về.
Vui nhất của hôm nay chính là vụ quần áo. Đi chơi ít ngày nên mình cũng không mang theo nhiều đồ mấy, căn bản là mang đủ để còn mặc nhiều lớp cho ấm. Lúc lên xe buýt chỉ mang theo cái túi bao tử đựng những thứ quan trọng, balo cũng gửi lại, thế mà may sao trong mấy lớp áo đang mặc trên người có cái áo cờ đỏ sao vàng huyền thoại. Đến nơi chỉ việc thay ra là có áo chuẩn chụp hình check-in. Đang chụp choẹt thì lúc đứng lên thấy chóng mặt. Lúc này mới nhớ ra sáng nay thay vì uống sâm mình lại uống café, nên tấp vào hàng mua ít hạt dẻ rang ăn lót dạ, lại mua thêm 1kg hạt dẻ tươi mang về làm quà. Vẫn biết khó phân biệt thật giả, vẫn ngây ngô hỏi chị bán hàng: “Đây là hạt dẻ Trùng Khánh thật đúng không ạ? Không phải hạt dẻ nước bạn đúng không?” Mà là nước bạn thì đã sao, ở vùng biên ăn đặc sản nước bạn miễn thuế tốt quá còn gì!
Lòng vòng về lại Cao Bằng đã là hơn 1h, ăn trưa xong rất buồn ngủ, uống sâm, lên xe về Hà Nội – 258km. Lúc lên xe đi mới thấy, mình uống sâm với ngồi lái xe máy là y như uống tăng lực liều cao, vô cùng phấn chấn: phóng xe qua đèo dốc vượt oto các kiểu, hát hò, tự tâm sự. Đoạn đường cuối này cảm thấy thích nhất chính là QL3 từ Bắc Cạn về Thái Nguyên dọc sông Cầu: đường nhựa mới phẳng phiu, một bên là sông trôi êm đềm, ruộng xanh tre làng cũng xanh, một bên là vách đá rợp bóng cổ thụ. Đường này mà đạp xe dạo chơi hay quay MV thì ảo phải biết!
Về đến Thái Nguyên, ăn tối xong lại túc tắc về Hà Nội. Nhìn Google map mãi, mình vẫn quyết định đi đường qua cầu Nhật Tân. Vừa phóng lên cầu, đang hớn hở ngắm dàn đèn lung linh chớp tắt, thì bỗng thấy xe lắc lư như sắp ngã. Mình cứ ngỡ là xe bị thủng săm hay gì, cố gắng dừng lại kiểm ra. Rõ ràng xe không việc gì. Chạy thêm 1 đoạn, lại thấy xe lắc lư. Lại dừng lại kiểm tra. Rõ vẫn là xe không việc gì. Nhìn lại mình vẫn mặc nguyên cái áo mưa thần thánh nhằm chống bụi. Gió trên cầu thổi phần phật như trò wingsuit. Lẽ nào nguyên nhân là đây? Nhưng dù sao mình vẫn không tin với cái áo mưa này mình không thể đi tiếp, nên vẫn cố đi thật chậm, dù gió quật cả người và xe lắc lư, liêu xiêu. Xuống đến chân cầu mà tay chân vẫn run cầm cập.
Hà Nội không vội được đâu. Về đến nơi rồi, đến đường Phạm Văn Đồng rồi mà theo Google map kiểu gì cũng không tìm ra nhà xe Sao Việt để gửi xe về Sa Pa. Sau gần nửa tiếng vật lộn cuối cùng mình cũng tìm thấy, uất ức nhất chính là lúc đến ngay chân cầu vượt Mai Dịch, không nhìn kĩ, nếu không đã thấy nhà xe ngay góc bên phải, mất bao nhiêu thời gian lượn =.=
Kết
Đến đây đã là đoạn kết của cả chuyến đi. Sáng hôm nay, mình theo xe công ty về lại Thanh Kim, chiều đi làm, trời nắng vàng rực rỡ.
Cuộc đời của Tờ Rinh, những ngày này vô cùng rực rỡ. Bởi vì có rất nhiều người đã phải hi sinh để Tờ Rinh có được cuộc sống này. Tờ Rinh sẽ sống với tất cả lòng biết ơn vì những may mắn mà Tờ Rinh có được.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại vào một ngày không xa!


Ba bạn trẻ chọn chuyến xe muộn nhất – 8:30pm để có thời gian đi từ sân bay về, ra đến bến xe Mỹ Đình lúc 8:00pm, vừa kịp cho xe máy lên xe để gửi đi. Anh phụ xe kute phô mai que dù phải đợi khách đến muộn và các khách kia càu nhàu vẫn cố gắng giữ thái độ lịch sự nhất có thể, chứ không như nhiều dịch vụ ngoài này khiến mình muốn bỏ chạy ngay và luôn. Xe bình dân nên khách hàng cũng bình dân, ồn ào nhốn nháo, cơ mà 3 bạn trẻ vẫn say sưa ngủ đến khi tới Bến xe khách tp. Hà Giang mới thức.
Kết quả hình ảnh cho Khám phá hà giang
Xuống đến bến xe, việc đầu tiên 3 đứa làm là đi tìm nơi giải quyết nỗi buồn khó nói. Cái gì thì không biết nhưng riêng khoản này Bến xe Hà Giang ngay lập tức được điểm 10+. Nhà vệ sinh mới xây, sạch đẹp thoáng mát không có mùi, thậm chí còn đạt chuẩn chụp hình check in sống ảo nhưng 3 bạn trẻ không kịp chụp, vệ sinh cá nhân xong là đóng nguyên bộ áo lạnh áo khoác – giáp xe máy – áo mưa lên xe đi ngay và luôn. Mục tiêu của ngày hôm nay là Quản Bạ - Đồng Văn.
Tips: Xe Cầu Mè đi Hà Giang là loại giường nằm, 2 tầng, 3 dãy. Giá vé 200k/người/chiều, có thể đặt vé trước qua số hotline trên website của hãng. Gửi xe máy theo thì nên đến sớm ít nhất 30p so với giờ xe chạy. Xe có thể xuất phát và tới nơi muộn hơn dự kiến một chút, nếu không có kế hoạch gì đặc biệt thì cũng không ảnh hưởng mấy ^^
Câu chuyện nhỏ số 2: Hoa trên đường đi
Vừa qua Cột mốc số 0 một đoạn, là những đoạn đường hai bên hoa ban nở trắng xóa. Thực ra thì lúc về tới nhà mới biết đó là hoa ban, chứ lúc trên đường đi thì cứ nghĩ là hoa cây móng bò giống ở miền Nam, mặc dù nhìn thì cũng không giống lắm. Trong đầu đang thầm nghĩ, đi Hà Giang giữa tháng 3 thế này thì còn cái hoa gì nữa, nhưng hóa ra trên đường đi gặp đủ các loại hoa, muốn hoa gì có hoa đó…
Vừa ra khỏi thành phố Hà Giang một đoạn là bắt gặp sắc đỏ của hoa gạo. Cây gạo trong miêu tả của nhà văn Vũ Tú Nam bây giờ hiện ra rõ rệt hơn bao giờ hết “Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi.” Hoa gạo Hà Giang sao mà to rứa, mỗi bông to bằng cả bàn tay, có khi còn to hơn, mà cây gạo ở Hà Giang sao mà nhiều rứa, đi càng xa lại càng gặp nhiều hơn, cây nào cũng đẹp đến ngẩn ngơ…
Sau khi ngẩn ngơ vì sắc đỏ của hoa gạo, là rơi vào “sương mù trận” trên đường đi Quản Bạ. Sương mù giăng kín lối y như phim, dốc thì cao, hai chiếc xe nhỏ cứ mò mẫm chậm như rùa bò qua hết mấy km đường đèo, dốc, đá thì đến đoạn đường bằng đến xã Quyết Tiến. Đến đoạn này thì bắt gặp những gốc đào phai nở muộn, những vườn cải hoa vàng và xen cả tam giác mạch trắng. Hai bạn đồng hành dừng xe chụp hoa đào, hoa cải, riêng cái đứa “dân Sa Pa” là mình đã bị “miễn nhiễm” với sức hút của 2 loại hoa trên, chỉ ngồi nhìn hai bạn tung tăng bên đường.
Qua Cổng trời Quản Bạ, đường đến Yên Minh lại gặp hoa gạo và đào đỏ, lại chụp hình quay phim đến cháy máy…
Câu chuyện nhỏ số 3: Bộ giáp bảo hộ
Quyết định đi xe máy “phượt” Hà Giang, quả là không dễ dàng gì. Các bạn trẻ sau khi nghiên cứu lời khuyên từ các diễn đàn, đã chuẩn bị giáp bảo hộ, bông băng sơ cứu đầy đủ. Đứa có thâm niên lăn lê trên đường là mình, ban đầu cũng ngại cái bộ giáp kia, lúc mua còn tặc lưỡi “Mua đeo cho yên tâm chứ có phải đeo vì chắc chắn có chuyện gì đâu mà…”, nhưng đến lúc bắt đầu đi thì cũng đeo bảo hộ đầy đủ.
Thế là vừa qua Cầu Tráng Kim 2, đang thấy nắng lên phía Yên Minh, mình liền tham gia “cúp lư hương đồng quê mở rộng”, vừa hay gặp đoạn đường còn ít đất đỏ chưa kịp khô, 1 xế 1 ôm liền cùng nhau test hàng bộ giáp bảo hộ.
Hai đứa lăn càng, phía bên kia sông Lô có vài chị người Mông/ Mèo đứng ngẩn ngơ nhìn, bên này đường các anh các chú đi ngang liên tục dừng lại hỏi han: “Có sao không em ơi?”
Cú ngã làm bộ áo mưa của mình te tua, giáp cũng suýt văng ra ngoài, toàn thân từ đầu xuống hông ê ẩm, tay xước, bạn ôm thì xước đầu gối, nhất là quả iPhone 6 vừa mua cũng được test chức năng chống va đập, quả là một tình huống dở khóc dở cười.
Hú gọi đồng bọn quay lại, sơ cứu xong thì mình tạm thời làm ôm (do bị thương ở tay) và bạn ôm của mình được nâng hạng lên xế. Đường về Yên Minh dốc xuống trơn trợt, bạn xế vừa được nâng hạng lại test bảo hộ đo đường đến 3 lần nữa, nhưng đi chậm nên chỉ xước tay. Lần nào cũng có các anh các chú đi đường ùa vào hỏi han, giúp đỡ, nên dù đau đớn mấy cũng thấy ấm lòng.
Về Yên Minh, việc đầu tiên làm là đem cái xe vừa đo đường kia đi nắn bóp chỉnh hình, sau đó mình trở về làm xế (độc hành), bạn xế lại trở về làm ôm.
Câu chuyện nhỏ số 4: Phố Bảng – Sủng Là – Dinh nhà Vương
Toàn những địa điểm check in hót-hòn-họt ở Hà Giang: nhà trình tường, bờ rào đá và dinh thự cổ kính. Lượn hết một vòng 1 buổi chiều mà vẫn chưa chụp hết mọi ngóc ngách.
Ấn tượng nhất và vui nhất có lẽ là đoạn đến Trạm Kiểm soát Biên Phòng Phó Bảng, những mái nhà sàn nằm im lìm trong bản làng heo hút như phim cổ trang khiến thời gian như ngưng lại, và dù chỉ vài km nữa thôi là sang đến “nước bạn” nhưng ai cũng ngần ngừ không dám đi. Sau cùng, thay vì check-in ở “Nhà của Pao” thì 3 đứa lại vớ căn nhà ngay km120 mà sống ảo, cũng chất đâu kém gì ai Description: https://www.facebook.com/images/emoji.php/v9/fce/1/18/1f642.png=))
Câu chuyện nhỏ số 5: Lẩu gà đen + Café Phố Cổ + Xuân Thu Guest house
Ở Đồng Văn chỉ có một đêm, không có quá nhiều cơ hội để thử hết các đặc sản, cuối cùng 3 bạn trẻ dắt nhau đi ăn lẩu gà đen + cơm rang dưa ở quán Hải Yến trên Phố Cổ, gần khách sạn Lâm Tùng. Nồi lẩu to vật vã kèm rổ rau to không kém đã được 3 bạn trẻ vớt sạch, giá chỉ 400k cũng không quá đắt. Điều ấn tượng nhất là món “đọt đậu Hà Lan” quá ngon, ước gì ở dưới xuôi cũng có bán món này ăn kèm lẩu thì quá đỉnh!
Sau bữa lẩu no nê, 3 bạn trẻ lại dắt nhau đi check-in Café Phố cổ, cắn hướng dương, bàn về lịch trình hôm sau. Ngay lối vào quán Café có một quầy thông tin du lịch với tấm bản đồ Hà Giang to tướng, ba đứa đang đứng chỉ trỏ bàn tán thì một chú người Mông bay vào tiếp chuyện. Sau một hồi tư vấn khiến cả 3 quắn quéo không hiểu gì, chỉ biết là chú ấy đang xỉn, cả 3 quyết định lên lầu ngồi uống nước cho yên.
Tối thứ 6, Café cũng khá đông, nhất là cái hiên ở tầng trên. Bàn bên cạnh có 3 anh hay chú gì ngồi bàn tán rôm rả làm mình ngứa hết cả tai, thế là quay sang lườm một hồi. Một trong 3 anh “tia” cái cô bạn ôm mắt cận “chân dài” (tự vì chân bị trầy nên mặc shorts), xong bị quạt cho mấy câu, tắt điện. Ba bạn trẻ phủi đít đi về.
Về tới nhà nghỉ, rõ ràng trước khi đi chơi, sợ về muộn, mình đã hỏi mấy giờ đóng cửa Lễ tân, chị Lễ tân nói là 11:00pm, thế mà mới hơn 10:00pm đã thấy cửa khép, người đi đâu mất. Ba bạn trẻ hì hục đẩy cửa vào không được, gọi điện thoại í ới. Lát sau anh Lễ tân kute phô mai que chạy ra, nhẹ nhàng kéo ngang cánh cửa sang hai bên mời 3 bạn trẻ bước vào. Cái định mệnh! Mang tiếng người dưới xuôi lên mà cửa kéo hay cửa đẩy cũng không phân biệt được, đập đầu đi chết đi!!!
Câu chuyện nhỏ số 6: Mã Pì Lèng hay Lũng Cú
Đến Hà Giang, tất nhiên phải đến Lũng Cú. Phần lớn mọi người đều nghĩ thế. Nhưng riêng mình, đến Hà Giang thì đèo Mã Pì Lèng, con đường Hạnh Phúc, sông Nho Quế mới là quan trọng nhất. Thế nên sau một hồi bàn tán, team 3 bạn trẻ quyết định chia đôi ngả đường, hẹn gặp nhau tại Hà Giang.
Một mình một xe độc hành đến Mã Pì Lèng trên cái xe chập cheng lúc tỉnh lúc không. Lên đến cái chòi quan sát trên đỉnh đèo, tấp xe vào chụp choẹt. Lúc nhìn thấy cái đập thủy điện ngay dưới lòng sông, thật chỉ muốn nhảy suống sông cho rồi. Một cảm giác thất vọng đến không thể tả thành lời. Bao nhiêu năm lăn lộn phiêu du ngoài Bắc, cứ lần lữa lười nhác không chịu đi Hà Giang, đợi hoài đợi mãi, đến lúc tới nơi thì nó thành ra thế này đây. Check-in chán chê xong, lại lếch thếch đi về. Thôi thì an ủi về lại Hà Giang ăn bánh cuốn, thắng dền, rồi ngày mai là đi chợ phiên Bắc Hà, SaPa… chẳng ham gì Mã Pì Lèng, Nho Quế nữa…
Hai bạn trẻ còn lại dắt nhau đi Lũng Cú, nghe kể gặp nhiều chuyện vui, mình cũng có vài chuyện vui muốn kể…
Câu chuyện nhỏ số 7: Bạn đồng hành
Trên đường từ Mã Pì Lèng về Hà Giang, có tình cờ gặp một bạn nam đi xe gì biển 29x xx 8xx26, áo khoác màu xanh lá cây chói lóa. Không biết mình có tự mình đa tình không chớ có cảm giác là bạn ik có ý định đi kèm mình. Vì thấy lâu lâu bạn ấy đi kè kè phía sau, lâu lâu lại phóng lên trước rồi lại đứng chờ. Cũng vui, thế nên cứ lâu lâu lại dáo dác nhìn xem bạn ấy đâu. Đến một khúc cua nọ, lại dáo dác nhìn thì thấy bạn ik đang núp lùm làm cái chuyện mà ai-cũng-biết-là-chuyện-gì-ấy, thế là mình cười phớ lớ chạy luôn, chắc nãy giờ mình hoang tưởng.
Đoạn sau lại gặp bạn áo xanh thêm mấy lần nữa, cho đến cái đoạn đường bằng xã Quyết Tiến, mình đang bon bon chạy thì bạn ấy từ sau phóng qua một cái “vèo”, như kiểu dằn mặt. Mình cũng đếch hiểu gì nhưng đi thêm một đoạn nữa thì thấy bạn ấy và vài bạn khác đang đàm đạo với CSGT, chắc bị bắn tốc độ. Hơ hơ, cái tội làm màu, chị chi trước đây, bye bye bé trai…
Lại là chuyện bạn đồng hành, lúc đi trên đường mình có gặp 1 đoàn phóng xe motor đường trường trên đường, trang bị kín mít từ đầu tới chân, không biết là anh hùng phương nào. Lúc về gần tới cầu Tráng Kim 2 thì gặp cả đoàn, lúc này đã cởi bớt thiết giáp mũ bảo hiểm, hóa ra là các bác Tây đi ngao du bằng xe máy. Đến đoạn xã Quyết Tiến các bác ấy cũng phóng qua “vèo vèo” mà không biết sao lại không bị CSGT chụp lại, chắc do đông quá, mà trông cũng ngầu nữa nên được “thả” chăng?
Túc tắc đi về tới Cổng trời Quản Bạ, lần này mình ghé vào chủ yếu là để giải quyết nỗi buồn khó nói, nào ngờ vừa hay gặp các bác Tây nọ đang dừng chân ngắm cảnh. Lên chòi vọng cảnh, nhờ các bác chụp hình hộ, giải thích mãi các bác mới hiểu cái nghĩa từ “núi đôi”, thật uổng công bao năm học ngoại ngữ. Sau đó chia tay, cứ ngỡ sẽ gặp nhau ở Hà Giang, nào ngờ lúc gặp lại ở một nơi hoàn toàn không ngờ đến…
Câu chuyện nhỏ số 8: Đường đèo ở Hà Giang
Các bài review về Hà Giang đã nói rất nhiều đến những đoạn đèo dốc chữ M, chữ W, alpha beta, đồ thị hình sin đủ kiểu, và nói chính xác thì là bảng chữ cái tiếng Phạn (chứ không chỉ đơn giản là tiếng La tinh), có bao nhiêu chữ thì những khúc cua trên đường đèo cũng “cân” hết. Đi về rồi nghĩ lại vừa thấy phục mình mà cũng rùng mình, đã nói không đi “phượt” nữa mà lại tự mình lái xe trên cung đường quằn quại như thế, quả là không đơn giản.
Nghĩ cho cùng, vẫn phục các chú các bác đã làm nên “con đường Hạnh Phúc” kì vĩ này. Để mỗi lần đi trên con đường ấy, có thể cảm nhận mình đã hạnh phúc như thế nào nên mới được đặt chân lên con đường tuyệt tác như thế.
Câu chuyện nhỏ số 9: Kiki’s house
Đặt phòng qua booking.com cơ mà vẫn lăn tăn vì thấy Hà Giang vẫn chưa phát triển du lịch là mấy, cũng không lên Facebook ngó nghiêng, ai ngờ phòng ốc, dịch vụ xuất sắc ngoài tưởng tượng. Gặp được Ms.Hảo đúng là may mắn lớn nhất trong cả chuyến đi, vì chị không cho phép bất cứ đứa nào bỏ cuộc trong cái hành trình ăn chơi quằn quại của 3 đứa. Dù là thức khuya dậy trễ cũng vẫn phải nếm đủ mùi đặc sản bánh cuốn, cháo ấu tẩu, thắng dền, dù là mưa giông đường đá thì cũng phải đi cho hết đất Hà Giang.
Rời Kiki’s house và Hà Giang dù còn nhiều điểm chưa check-in hết, nhưng cũng vì thế mà cảm thấy yên tâm vì có một nơi thân thuộc để quay lại lần sau.
Câu chuyện nhỏ số 10: Đường đến Bắc Hà
Từ tp Hà Giang đến Bắc Hà, có rất nhiều sự lựa chọn. Và chẳng có lựa chọn nào là dễ dàng. Dự kiến đi cung Hoàng Su Phì – Xín Mần – Bắc Hà nhưng chẳng hiểu sao sáng ra, não mình xử lí không kịp nên đến ngay ngã rẽ đi Hoàng Su Phì, hỏi các anh chị người địa phương ở ngay đấy thì lại được bảo đi thẳng rẽ phải, thế là cắm đầu đi thẳng rẽ phải. Hóa ra đi nhầm sang cái cung Bắc Quang – Quang Bình mà đêm hôm qua vừa được cảnh cáo là “đường xấu con gái tay lái yêu - xe yếu không thể đi”.
Đi rồi mới biết nó xấu cỡ nào. Xe Sirius mà nhảy tưng tưng như xe cào cào, lục phủ ngũ tạng xương sườn cột sống được một phen nhào lộn như xay sinh tố. Đó là chưa kể trên đường có một đoạn sình đất đỏ, bị lún xe, mà thường là mình leo xuống dắt bộ, bữa nay đang high-fashion nên quơ chân quào quào, trả số một hồi rồi cả người và xe cũng qua, không bị lầy lội gì, hú vía! Lúc ra khỏi đất Hà Giang mừng suýt ngất. Sau đó vì trời nắng đẹp, hết sình lầy bùn đất, nên mình tháo bớt các thể loại quần áo đi mưa, xỏ cái váy Mông vào, tung tăng tiếp. Mà vì mừng quá, không biết đi kiểu gì lại đi lố luôn đoạn rẽ sang Nghĩa Đô, chạy ra gần đến QL70 hỏi lại một bác đi cùng đường thì đã muộn.
Bác nhìn mình từ đầu đến chân, váy thì giống người Mông mà các thể loại giày lười, giáp bảo hộ, áo lông nỉ này là combo fashion gì của người nào. “Em đi đâu mà lạc đến đây?” Nghe xong mình chỉ trả lời đơn giản là đi chợ Bắc Hà, nhưng đi lạc đường rồi thì phải làm sao. Sau khi ngẫm nghĩ một hồi, bác bảo thôi cứ đi ra QL70 rồi rẽ vào Bắc Hà, chứ quay ngược lại cũng thế. Thực ra bác cũng đang sẵn đường đi Lào Cai, bác đi lối tắt nhanh hơn tí, nhưng đường đá xấu lắm, khó đi, sợ mình không đi được. Nghĩ lại đoạn đường xấu mới đi khi nãy, xấu thì cũng đã thử qua rồi, còn gì mà sợ, thôi cứ theo bác còn hơn tự đi.
Thế là lại băng rừng qua đường đất đá các thể loại, lúc đến QL70 rồi, lại vi vu phóng trên đèo quốc lộ, đi mãi vẫn chưa đến Phố Lu, mình dừng xe lại bên đường xem bản đồ thì còn cách hơn 30km, mà khi ấy đã gần 11:30am, chẳng biết đến nơi chợ còn hay không. Lại leo lên xe phóng, vớ ngay một anh hỏi đường, anh ấy vừa chỉ đường vừa hỏi han này nọ. Đến ngã rẽ vào Phố Lu, bác tốt bụng kia vẫn đang đợi, chắc sợ mình đi lạc, mình gật đầu chào rồi lại đi tiếp. Gần 1 tiếng sau, cuối cùng cũng đến chợ Bắc Hà.
Câu chuyện nhỏ số 11: Nước mắt rơi giữa chợ phiên Bắc hà
Trên đường từ Quốc lộ vào chợ Bắc Hà, mình đã thấy rất nhiều xe du lịch đi ngược chiều, kể cả khách lẻ tự đi xe máy, trong lòng cứ lo “Phen này có khi chợ tan rồi cũng nên”. Nhưng được cái trên MAPS.ME còn đang đánh dấu “Dinh Hoàng A Tưởng” gần đấy, nên nếu chợ tan thì vào dinh tham quan cũng được, không lại phí cả chặng đường.
Chợ Bắc Hà là chợ phiên lớn nhất Lào Cai, tuy đã hiện đại hóa nhưng vẫn giữ nếp cũ chỉ họp mỗi ngày Chủ nhật hàng tuần. Chợ họp đến tầm 3h chiều mới tan hẳn, nên lúc mình tới nơi vẫn còn khá đông. Gửi xe đi một vòng chợ, thích nhất là chỗ bán gia súc. Không hiểu sao cứ đứng ngẩn ngơ nhìn mấy con trâu đang được rao bán. Mặt chúng cứ phảng phất nỗi buồn kiểu gì, bất giác muốn nuôi một con trâu làm bạn.
Vào khu ẩm thực, lục lại đầu óc mới nhớ ra muốn ăn thử món phở chua, thế là gọi một bát phở chua. Cô bán hàng cứ bảo hay là ăn phở nóng rồi cho nước chua vào, ăn phở chua sợ mình không quen không ăn được. Mình thì cứ nằng nặng đòi ăn thử. Đúng là hơi lạ miệng, cơ mà chả hiểu vì đói hay vì lịch sự, ngồi túc tắc ăn hết một bát phở to. Lúc trả tiền mới hốt hoảng, chỉ có 15k/1 tô (2 bạn trẻ đến sau ăn 1 bát phở chua + 1 bát thắng cố ở quán Cường Yến đối diện, có wifi, hết 150k!!!).
Ăn phở xong mình lượn ra ngoài, nhìn quanh quất thấy một hàng nước có bán chè thập cẩm (đậu đỏ+cốm+đậu phộng rang), thế là gọi một ly chè ăn. Trong lúc đang ăn cứ thấy một thằng bé lấp ló đằng trước rồi vòng tới vòng lui ngay quầy nước, cuối cùng nó bước đến gặp anh chủ quán, hóa ra là muốn mua bánh rán (ở dưới xuôi là bánh cam ik). Anh chủ quán bảo 2k/ cái, nó bảo lấy 3 cái. Xong anh ấy nói: 3 cái thì 5 nghìn. Dù chỉ là giao dịch nhỏ nhưng cả người mua lẫn người bán đều rất nghiêm túc, ai cũng tỏ vẻ nghiêm trọng.
Nhận bánh, trả tiền xong, hóa ra thằng bé còn thừa được một nghìn đồng. Bất giác nó cười hớn hở, chạy về chỗ mẹ nó ngồi đấy không xa, tíu tít khoe, nụ cười vẫn còn trên môi, khác hẳn cái gương mặt nghiêm trọng khi nãy. Nhìn thấy nụ cười đó của nó, tự nhiên mình rơi nước mắt, ngồi khóc ngon lành như xem phim Hàn. Ăn vội cho xong ly chè, trả tiền rồi đứng dậy đi, chứ mà còn ngồi đấy là còn khóc nữa. Đến tận bây giờ, vẫn không hiểu nổi vì sao lúc đó lại khóc. Chỉ ước có ngày quay lại nơi ấy, có thể mua cho thằng bé ấy vài chiếc bánh rán. Và ước sao sau này khi đi mua bánh, nó không phải dè dặt ưu tư như thế…
Câu chuyện nhỏ số 12: Salut!
Sau khi rời chợ Bắc Hà, mình đi đường Phố Lu – Tả Thàng – Bản Dền – Tả Văn về Sa Pa. Ngay trên đoạn từ chợ Bắc Hà về QL70, gặp lại đoàn xe cào cào hôm qua, bấm còi í ới gọi nhau chào tạm biệt. Các bác đang dừng chân ngắm cảnh chiều về, không vội. Mình thì cần về Sa Pa trước khi trời tối, rất vội. Thế nên chỉ kịp chào nhau chớp nhoáng rồi thôi.
Dạo Hà Giang chớp nhoáng, tạm biệt Hà Giang cũng chớp nhoáng thế. So với Sa Pa mà mỗi sáng thức dậy đã nghe tiếng máy móc gạch đá inh tai, thì Hà Giang đúng là thiên đường du lịch mới. Đi vào tháng 3 mà đã đẹp đến vậy, không biết những tháng 10, tháng 2 còn đẹp đến thế nào nữa. Sẽ mãi nhớ đoạn đường Phó Bảng, Sủng Là, nhà nhà im lìm tĩnh mịch, nhớ món thắng dền cùng những người bạn mới quen, nhớ nụ cười của gia đình anh chị người Mông trên đường đi Yên Minh, của thằng bé gặp ở chợ Bắc Hà...
Hẹn gặp lại một ngày không xa !


Facebook nhà ai người ấy viết. Có thể share, miễn bình luận tiêu cực.
Thấy dân tình rần rần đi coi, review chất lượng, nên dịp lễ vừa rồi sẵn tiện đi HN giải ngố, mình cũng bon chen đi xem cho bằng bạn bằng bè.
Thứ nhất, đi coi về thấy không thất vọng, không tiếc tiền.
Thứ hai, đi coi về bị “ngơ ngơ” kiểu gì á, kiểu muốn quay ngược thời gian sống lại những năm vừa qua.
Kết quả hình ảnh cho em chưa 18
Thứ ba, bây giờ muốn đi coi lại vì lúc coi không nhớ hết tình tiết, thoại, mà không có cách nào coi lại được...
Bộ phim này bắt đầu hấp dẫn từ chi tiết nào? Chính là lúc Hoàng vừa chạy khỏi nhà Linh Đan, thấy gái đẹp mà phân tâm, sau đó gái đẹp kêu đi bắt cướp cũng bất chấp chạy theo tên cướp. Cái mở đầu không mấy đặc biệt ấy rõ ràng đã giải thích con người Hoàng: mê gái đẹp, thơ ngây, có chút tốt bụng, không phải là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Sau đó, câu chuyện cứ tự nhiên tiếp tục, nó chỉ là một câu chuyện bình thường, ngày thường nhưng vì nó quá tự nhiên và hài hước, nên mới khiến người ta thấy hay. Hay ở chỗ có thể viết nên câu chuyện, dẫn dắt và sắp xếp nó một cách hợp lý, giữ chân người xem ở rạp đến cùng.
Lần tiếp theo câu chuyện trở nên hấp dẫn là khi nào? Chính là lúc Hoàng muốn Linh Đan quên Tony, dán hình Tony lên găng tập boxing. Lúc này đây, có thể cảm thấy Hoàng đã bắt đầu nghiêm túc với việc mình đang làm, với mối quan hệ mình đang có. Tại vì sao? Không ai hỏi điều đó, nhưng đáp án quá rõ ràng, là vì quan tâm và không muốn Linh Đan phải đau khổ, vì bất cứ người nào.
Sau đó, câu chuyện rẽ sang một hướng khác, khi Linh Đan nói với Hoàng sự thật. Tất cả những điều mà người ta lo sợ, là Linh Đan đã dám đánh đổi quá nhiều để trả thù cậu bạn trai gà bông, hóa ra chỉ là kịch bản lắp ghép từ 2 cô nhóc: nửa đầu là Linh Đan, nửa sau là cô bạn thân. Đúng là một cảnh phim cao trào, nhiều cảm xúc: bắt đầu từ lúc Hoàng đưa Linh Đan về, cầu hôn, cho đến lúc Linh Đan bước ra khỏi nhà, cánh cửa khép lại. Và, chính Hoàng, không giữ được mình cũng phải rơi nước mắt. Cả hai không khóc bù lu bù loa như phim Hàn, nhưng cũng đủ khiến người xem đau lòng.
Mình đã bị rung động, vì cái cách Hoàng cầu hôn nó quá chân tình, có cả chút run run vì mất bình tĩnh trước một việc hệ trọng trong đời. Cũng thích cả cái câu: “Mình đừng nói gì vào lúc này, vì câu nào nói ra cũng sẽ rất sến”. Nói thì nói vậy nhưng ekip vẫn quăng vào cái câu thoại ngôn tình sến súa: “Anh là người đàn ông đầu tiên của em, nhưng anh muốn em là hotgirl cuối cùng của anh”. Câu này nó rất hay, vì Hoàng để từ “nhưng” vào giữa 2 vế. Hoàng là một người từng trải qua rất nhiều mối tình (một đêm) với nhiều cô gái, nhưng Linh Đan thì chưa hề. Nếu đồng ý lấy Hoàng, vào lúc này, nghĩa là Linh Đan sẽ không có cơ hội để tìm hiểu “thế giới trai đẹp”, quầy hải sản phong phú ngoài kia. Vì vậy, đồng ý lời cầu hôn này đối với Linh Đan là một điều bất lợi. Kể cả như thế, Hoàng vẫn mong Linh Đan sẽ đồng ý.
Nhưng hóa ra, cảnh phim lấy nhiều nước mắt nhất, lại là một cảnh không liên quan gì đến câu chuyện tình yêu kia. Lúc Linh Đan phát biểu chia tay cuối cấp, mình, hai bạn nữ ngồi cùng hàng ghế, và có lẽ rất nhiều khán giả khác, đ ã rơi nước mắt khi nhớ lại thời cấp 3 vô tư, nhiều kỉ niệm. Phải trải qua rồi, bị thời gian vùi lấp rồi, khi nhớ lại mới thấy tiếc nuối. Cho nên cái nhãn 18+ của phim này, hóa ra lại hay. Vì chỉ có những người đã đi qua thời cấp 3, thời đi học mới cảm nhận được sự tiếc nuối đó. Hoặc cũng có thể là, rơi nước mắt thở phào vì mình đã sống trọn vẹn một thời cấp 3 hồn nhiên, những tháng năm tuổi trẻ không hối hận.
Chuyện tình yêu của nam - nữ chính đi đến hồi kết trọn vẹn. Tôi thích cách Linh Đan ép cung, nó rất bạo lực (dĩ nhiên là trong phim thôi, không khuyến khích các bạn trẻ trâu học theo), nhưng cũng rất đúng phong cách của Linh Đan (thấy kiểu đi gặp Tony hỏi cung hồi đầu phim là biết). Tôi thích việc Hoàng xuất hiện ở đó, chứ không phải là ở nơi nào khác. Vì Hoàng hiểu rõ Linh Đan cần sự có mặt của người bạn trai này hơn lúc nào hết, và cơ hội để khẳng định mối quan hệ này là thật và nghiêm túc cũng chỉ có lúc này mà thôi.
Bây giờ, bàn theo một hướng vô cùng thực tế và logic, thì Hoàng và Linh Đan đến với nhau âu cũng là lẽ thường, như trong chính lời bài hát nhạc phim: “Anh thì đẹp trai, còn em thì đẹp gái, mình đến với nhau thì có gì là sai.” Lý lịch gia đình (giàu), bản thân (giỏi), ngoại hình (đẹp trai/ xinh gái), sở thích (nuôi chó)... nói chung là cái gì cũng phù hợp hết. Bởi vậy cái phim này nó không có lừa người ta kiểu Lọ lem hoàng tử gì sất, team ế bền vững coi xong về nhà tự ngẫm đừng hỏi tại sao giờ này vẫn ế Description: https://www.facebook.com/images/emoji.php/v9/fce/1/18/1f642.png=))
Những cái thích còn lại của phim này: 2 ông bố cute vô đối, 2 thằng cameraman “thông minh” vô đối, 2 MC “chói chang” vô đối và 2 con cún cute lạc lối. Nhạc phim hồi trc khi coi nghe thử không thấy hay nhưng vô phim khớp quá khớp chuẩn quá chuẩn.
Quên nữa chớ phim có mấy cảnh sến lụa slow motion kiểu Hàn Quốc cơ mà thôi kệ, phim tình cảm lãng mạn sến tí thì có làm sao.
Mặc thế sự vẫn muốn đi coi lại 1 (vài) lần nữa. Mà vùng cao không có rạp chiếu phim người nông dân phải làm sao???


Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Trở về từ Cực Nam Tổ quốc đã gần 2 tháng, nhưng đến hôm nay mới thật sự muốn viết vài điều về mảnh đất ấy. Trên khắp các nẻo đường đã qua, bản thân luôn lo sợ khi trở lại với guồng quay cơm áo gạo tiền sẽ vô tình lãng quên đi vẻ đẹp và tình người ở những nơi đó, chính vì thế, chọn cách ghi lại vài dòng có lẽ sẽ lưu giữ được phần đa những cảm xúc trọn vẹn nhất.
Hình ảnh có liên quan
Người ta vẫn nói Cà Mau xa lắm, đúng thế, tính từ trái tim cả nước là thủ đô Hà Nội thì hành trình đến với Cực Nam Tổ quốc dài hơn hẳn so với 3 điểm cực còn lại. Nếu ai từng đến Trà Cổ, đến mũi Sa Vĩ, chắc hẳn đã nhìn thấy cột mốc :"Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3260km". Hành trình của tôi không dài đến như thế, khởi hành từ Hà Nội và như mọi lần khác, chẳng biết gì về nơi mình sắp tới. Tám ngày rời xa văn phòng được dự kiến là sẽ chỉ có 1 mình, nhưng rốt cuộc vẫn lôi kéo thành công 2 chiến hữu, những người đã từng đồng hành trên khắp các nẻo đường Đông và Tây Bắc.
Theo lịch trình, tôi sẽ đặt chân tới Sài Gòn trước khi đến Cà Mau. Điều may mắn trong nhiều nơi đã qua chắc chắn là luôn có những người bạn cũ chờ sẵn ở đó. Được gặp lại nhiều gương mặt quen, nhiều vòng tay cũ, chính những điều đó biến Sài Gòn rộng lớn thành nơi không hề xa lạ, thành nơi quây quần bên nhau, nói về những ngày đã qua trong men say, nói về những ngày đã xa trong kỷ niệm còn sót lại. Ở cái thành phố mà quán nhậu nhiều như nấm thật ra rất thú vị, cụng ly vài lần, thế là khoảng cách gần lại. Rượu bia nhiều rõ ràng không tốt, nhưng lúc đó dường như lại là phương tiện không thể tuyệt vời hơn để hưởng trọn niềm vui ngày gặp lại.
2 ngày sau khi đặt chân tới Sài Gòn, tôi đón những người bạn đồng hành và sẵn sàng cho chuyến hành trình tới Cực Nam. Sau rất lâu mới lại đc khoác lên vai chiếc balo với đầy những máy ảnh, đồ ăn thức uống, đôi ba thứ thuốc thang lặt vặt, và quan trọng hơn là niềm háo hức trải nghiệm không thể lẫn vào đâu. Hôm đó, Sài Gòn mưa rất lớn do vẫn còn chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, và cũng thật không ngờ khi cơn mưa này lại theo chúng tôi đến tận điểm địa đầu Tổ quốc.
Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, 5h sáng, đứng đợi ở đó là 1 người anh, người đồng đội đã từng sát cánh bên nhau trong những năm còn khoác màu áo xanh tình nguyện. Thử thách của mỗi người trong cuộc sống là trưởng thành, và chúng tôi cũng chẳng hề ngoại lệ . Rời xa ghế giảng đường, những đứa sinh viên năm nào đều có con đường riêng, và anh tôi chọn cách làm ông giáo gõ đầu trẻ ở nơi cách quê nhà tới hơn 2000 cây số. Vì chưa có gia đình, lại còn trẻ nhất trong số những giáo viên ở cái trường cấp 2 đấy, nên hắn ta được cấp cho hẳn 1 phòng riêng ngay tại trường, cai quản 1 cõi cùng 2 con chó, tự nấu ăn, tự tắm giặt, ngoài ra còn có cái PC bầu bạn.
Theo kế hoạch đã đc lên từ trước thì ngày hôm sau chúng tôi mới đi Cực Nam, nên sau khi nghỉ ngơi đôi chút, ăn sáng, tôi cùng 2 người bạn đồng hành rủ luôn ông giáo làng đi thăm thú xung quanh. Điểm đến được lựa chọn là rừng U Minh Hạ, nơi mà tôi chỉ từng đc biết đến qua phim ảnh và di tích Hòn Đá Bạc. Vùng sông nước Cà Mau buồn đến nao lòng, cộng thêm cơn mưa lớn kéo dài, nhưng rốt cuộc 2 xe và 4 con người vẫn cứ lao đi. Kết quả là đc phóng tầm mắt đến những nơi thật rộng lớn. U Minh Hạ với rừng tràm trải dài ngút tầm mắt, Hòn Đá Bạc nằm ven biển trời bao la như muốn thêm 1 lần khẳng định: ta lúc nào cũng thật nhỏ bé. Ngày hôm đó, dù quần áo ướt sạch và cơ thể phải chống chọi lại với cái lạnh, nhưng rốt cuộc đc sưởi ấm bằng những ly cafe mà có mơ cũng không tìm ra đc ở đất Thủ đô. Lần nào trở về sau những chuyến đi miền Trung, miền Nam cũng có chuyện để nói về cafe, và câu chuyện lần này là 4 ly cafe hết 37 ngàn. Sau khi kết thúc chuyến đi ngắn, chúng tôi trở về để sẵn sàng cho 1 cuộc đoàn tụ khá hoành tráng. Những con cua rất lớn vừa mới đc bắt lên, cộng thêm chút hải sản mà tôi không biết tên cùng thùng bia ướp lạnh, mọi thứ quả thật rất hoàn hảo. Thêm 1 trải nghiệm mới khi đc tự tay chế biến món lẩu cua Cà Mau, sau đó thưởng thức giữa 1 đặc sản khác của miền sông nước là hàng đàn muỗi vây quanh, chúng tôi chẳng biết đã say đắm vùng đất mới từ bao giờ.
5 giờ sáng, 2 chiếc xe lao đi, để lại thầy giáo trẻ vẫn còn chưa tỉnh hơi men. Hành trình ngày hôm nay không còn xa, từ Trần Văn Thời tới Đất Mũi chỉ mất khoảng 2 tiếng đường bộ và 2 tiếng đi tàu cao tốc, mọi thứ trên đường đi đều thuận lợi, ngoại trừ cơn mưa lớn vẫn bám theo dai dẳng. Trên suốt quãng đường không đc thời tiết ủng hộ đó, tôi mới thật sự cảm nhận đc nỗi buồn của miền sông nước bao la. Tàu cao tốc đưa chúng tôi dọc theo con sông Năm Căn để có thể đến đc với cái đích cuối cùng, cột mốc đánh dấu tọa độ GPS 0001. Ngày trước, chỉ biết đến Năm Căn qua câu thơ trĩu nặng của tác giả Gia Dũng :"nhớ má Năm Căn, thương em Cửa Việt", vậy mà lúc này, tôi đã ở đây... Ở nơi địa đầu Tổ quốc, mọi người sống trên nhà nổi, đi lại, giao thương bằng ghe thuyền, nét đặc trưng chẳng thể lẫn vào đâu ấy đôi lúc đan xen cùng những câu hát cải lương làm lặng đi 1 kẻ vốn đầy náo nhiệt.
Ngay cả đến khi dừng chân bên cột mốc đánh dấu điểm Cực Nam của Tổ quốc, những cơn gió lớn đi kèm mưa vẫn không chịu buông tha cho chúng tôi. Ở rất xa về phía Bắc, theo những dòng tin nhắn của 1 người bạn, bao đôi chân xê dịch tìm đến mùa lúa chín Mù Cang Chải cũng đang phải hứng chịu 1 cơn mưa lớn, bất chợt trong đầu nảy sinh 1 dòng suy nghĩ kỳ lạ, đó là cuộc đời chưa lúc nào vô vị cả. Đích đến của mỗi cuộc hành trình chưa hẳn là tìm thấy 1 nơi đẹp đẽ để thỏa niềm mong ước, mà đôi khi, đó lại là nơi phải nép mình lại và dành thời gian nghĩ về cả quãng đường đã qua. Chúng ta đi đâu phải lúc nào cũng vì có lý do, chúng ta đi vì đc đi, chỉ thế thôi và đích đến chẳng phải là bất cứ nơi nào ta muốn dừng lại hay sao? Cơn mưa của chuyến hành trình ấy đơn giản là khoảnh khắc giúp ta có 1 phút giây sống chậm lại và ngắm nhìn nhiều hơn, cớ gì lại không tận hưởng trọn vẹn...
Ngày trở về đan xen nhiều niềm vui và nỗi buồn. Bỏ lại cơn mưa cùng miền sông nước bao la ấy, tôi lên đường với cái bắt tay thật chặt và lời hẹn gặp lại của người anh em từng chung lưng đấu cật. Đất nước phát triển kéo theo sự đi lên của các phương tiện giao thông, vì thế, khoảng cách địa lý cũng như đc rút ngắn, chỉ mất vài tiếng đồng hồ là đã có thể gặp nhau. Nhưng sự hiện đại ấy chẳng thể giúp chúng tôi có lại đc những ngày xanh, những ngày đen nhẻm và lưng áo đẫm mồ hôi, sẵn sàng trải lòng ra để thấy không hề đơn độc. Ngoài ông giáo làng, tôi còn đc gặp lại nhiều người bạn khác, những người muôn năm cũ. Sài Gòn hoa lệ không hề xa lạ, và 1 đêm tại thành phố Vũng Tàu cùng anh em bạn bè cũng để lại nhiều điều đáng nhớ. Ở nơi rất xa quê nhà nhưng vẫn được thấy bao gương mặt quen, chắc chắn đây là điều may mắn nhất trong cả chuyến hành trình Đông, Tây Nam Bộ.
Sau chuyến hành trình 8 ngày đó, tôi còn trở lại vùng đất nhiều kỷ niệm, Hà Giang. Nhiều thứ đã thay đổi, đời sống tốt hơn, nhưng những điều đọng lại đã không còn như trước nữa. Hà Giang ngày hôm nay cho cảm giác thật vội vã, như chính chúng ta trên con đường đến với cái đích trưởng thành vậy. Và tôi tự hỏi, nếu ngày trở lại Đất Mũi cũng như thế thì sao? Ngày trở lại Mũi Đôi, cực Đông Tổ quốc cũng chẳng còn thấy rung động vì vẻ đẹp nữa thì sao? Liệu sắc dã quỳ Đà Lạt sau này có dần nhạt nhòa trong tâm trí không, và liệu dải miền Trung thương nhớ kia có còn nhớ thương nhiều như trước?
Và sẽ ra sao nếu ngày gặp lại những gương mặt quen, những vòng tay cũ cũng không còn nhiều điều đọng lại?
Chỉ hy vọng những năm tháng còn lại trong đời, ta vẫn tìm thấy nhau.


Note dành cho hành trình Nha Trang – Đà Lạt – Bảo Lộc – Phan Thiết – Bình Thuận – Ninh Thuận. Những nơi mà dấu chân qua, tình người còn đọng lại mãi.
…và note dành tặng Xuân - gã đồng hành tin cậy, 2 cô bạn Giang, Thảo – những người vì duyên mà gặp, cô chủ nhỏ của Nắng’s homestay – 1 trái tim xê dịch nhiệt thành, cô bán bánh xèo mực ở thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận – người khẳng định “các con sẽ không bao giờ quên hương vị này, vì Hà Nội hay Sài Gòn làm gì có”, các chú, các thím, các cô ở Nha Trang, ở Dốc Lết, tặng bạn Béo cùng chiếc váy nhỏ xinh, và dành tặng những người luôn mong ngày ta trở về ko sứt mẻ cũng như chính trái tim đi tìm bình yên này!
Kết quả hình ảnh cho cồn cát phan thiết
“Chiêm ngưỡng thế giới, đối mặt với hiểm nguy, nhìn ra phía trước; tiến lại gần hơn, tìm thấy nhau và cảm nhận chúng. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống”
Trong suốt chuyến hành trình kéo dài 8 ngày, 1 lần nữa bản thân lại đc cảm nhận dư vị của những ngày xưa cũ, của niềm tin và hy vọng về tương lai. Được gặp lại biết bao gương mặt thân quen, hay cùng chia sẻ sự thú vị trên mỗi chặng đường với những người bạn mới, đó chính là lý do để những dòng chữ này đc viết ra.
Hai gã dại khờ khởi hành từ Nha Trang, băng qua con đèo Omega và cung đường đẹp với những hàng thông để đến với Đà Lạt. Xúc cảm của lần thứ hai quay lại thành phố buồn khác hẳn so với thời điểm cách đây 5 năm. Sau nhiều trải nghiệm tuổi trẻ, tự cho phép bản thân đắm chìm sâu hơn vào nỗi buồn man mác vốn có của Đà Lạt. Ở nơi này, giấc ngủ rất ngon và ko hề mệt mỏi, đồ ăn ngon, café sạch, những cô gái với nụ cười e thẹn, tất cả hòa quyện vào nhau đẹp như 1 giấc mơ. Tất cả trải nghiệm đẹp đẽ ấy còn tuyệt vời hơn nữa khi đc chia sẻ cùng hai người bạn mới. Cùng chinh phục, để rồi thỏa sức ngắm nghía và tận hưởng thành quả của việc vượt qua 1 cung đường khó khăn, 1 ngọn đồi cao hay chỉ đơn giản là ăn hụt ly kem bơ vì tới trễ.
Chia tay 2 cô bạn nhỏ và tiếp tục hành trình riêng, thật sự trân quý khi vẫn có thể nhắc nhau về 1 ngày gặp lại xa xôi. Đó là duyên, là may mắn hay là ngọn gió mát lành thoảng qua thì cũng đều rất nhẹ nhàng như những ngày Đà Lạt tháng 3 của chúng ta vậy!
1 cung đường mới, và điểm đến lần này là ngôi chùa nổi tiếng Linh Quy Pháp Ấn. Cơn mưa rào bất chợt đến và đi rất nhanh nhưng cũng đủ để làm ướt sũng gã khờ dại luôn thích chìm đắm vào cái gọi là “ vài lần mưa đầu Hạ”, dù bây giờ mới chỉ tháng 3. Tất nhiên, phần thưởng sau thử thách không chỉ dừng lại ở mức độ trầm trồ. Sau cơn mưa, bầu trời trong xanh và cao vút, vượt qua 1 con đường dốc thẳng đứng để tìm tới ngôi chùa mà từ đó, ta phóng tầm mắt về phía xa, hít hà hương vị đắm say giữa núi đồi!
Rời ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn, những kẻ xê dịch băng qua quốc lộ 55 hướng về Phan Thiết. Cung đường đẹp như tranh ấy làm gợi lại biết bao kỷ niệm về Đông, Tây Bắc, về Khau Phạ, Mã Pì Lèng… Ngang qua hồ Hàm Thuận kỳ vĩ, qua hồ Đa Mi xanh ngắt, uốn lượn như dòng sông Nho Quế 1 ngày đầu Đông nào đó đã qua và rất xa. Chặng đường kéo dài hơn 100km và ko rẽ qua trung tâm thành phố Phan Thiết mà hướng thẳng tới Mũi Né, tới biển và những đồi cát trải dài. Đón hoàng hôn yên bình nơi ấy, tự do, tự tại…
Nếu buồn, hãy tìm về với biển”
Được 1 người bạn giới thiệu cho Nắng’s Homestay tại Mũi Né, một căn nhà cho cảm giác thân thiết với 3 thế hệ sinh sống ở đó. Cô chủ nhỏ là 1 người có trái tim xê dịch và đôi tay tài hoa. Với chiếc cọ màu, cô tự tô điểm cho cánh cổng, cho bức tường nhà và cả 2 căn phòng mà những kẻ lang thang có thể ở đó. Cứ mỗi vị khách đến và đi, cô sẽ trích lại chút tiền phòng để gây quỹ cho 1 nhóm cùng có sở thích đi đến khắp mọi nẻo đường xa.
Tạm biệt Mũi Né để quay về Nha Trang, cũng là lúc đối mặt với cung đường nắng nóng gay gắt của hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Điều đó chẳng thể che lấp đi sự tuyệt vời khi có cơ hội được tận mắt chứng kiến Bàu Trắng, được thưởng thức sự dân dã đến hồn nhiên cùng chiếc bánh xèo mực, hay thả mình vào vịnh Vĩnh Hy mênh mông mà chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp nơi ấy.
Sau chuỗi ngày lang thang, thành phố Nha Trang chào đón ngày trở về của bước chân nhiều trải nghiệm. Nơi này có những sự vô tư và lạc quan đến lạ, bên biển, tất cả cùng nhau hát, cùng nhau uống những lon bia và không nói về bộn bề lo toan của cuộc sống. Trong ánh mắt của mỗi người, dường như là sự hết mình với mỗi khoảnh khắc khi còn được ở bên nhau, và đó sẽ là niềm vui, là hạnh phúc khi được quây quần. Và chợt nhận ra, tiếc nuối đâu chỉ dừng lại ở những kỷ niệm đã qua, mà tiếc nuối đôi khi là sự bất lực bởi đến 1 lúc nào đó, chúng ta không còn có thể ở bên nhau đầy đủ như ngày xưa cũ.
Để những năm tháng còn lại trong đời, ta vẫn… tìm thấy nhau” Câu hát này luôn ám ảnh bản thân tới nỗi, đã từng bật khóc khi nó được cất lên giữa sân vận động Mỹ Đình đông đúc vào một ngày Đông. Vì thời gian là thế, Đông qua, Xuân tới, để sau đó đón chờ “vài lần mưa đầu Hạ, rồi tuổi trẻ đi qua”, và khi những chiếc lá vàng rụng xuống vào mùa Thu, có gã dại khờ xin ngủ dưới vòm cây mà nhìn về bầu trời xanh thẳm, nhớ đến những năm tháng thanh xuân rực rỡ đẹp như một giấc mơ ngắn ngủi.
Tiếc nuối rồi cũng sẽ qua thôi, ký ức sẽ dần phai mờ, nhưng chắc chắn, những chuyến đi dài sẽ trở thành trải nghiệm quý báu, là hành trang, là vốn sống. Chỉ mong sao mọi thứ sẽ ko bị che phủ hoàn toàn bởi 1 tấm bụi dày, để mỗi lần thả lòng mình lang thang vào những ngày tháng đó, ta biết mình đã bình yên, đang bình yên và sẽ bình yên.
Tất cả những trải nghiệm đó, những con người đó sẽ luôn ở đây, đậm sâu hay nhạt nhòa thì vẫn đứng vững trong trái tim dũng cảm này! Từ ánh mắt, nụ cười, vòng tay, hay mái tóc thướt tha trong cơn gió nhẹ của buổi chiều tà.
Hẹn gặp lại…


Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Cái thực tế cuộc sống nó luôn ko dễ dàng để con người ta chấp nhận.! Trưởng thành không được tính bằng thời gian số năm chúng ta sinh sống mà số năm chúng ta được Trải Nghiệm. Mỗi lần nhắm mắt lại rồi nhìn thấy ........Ai cũng bắt đầu đổi thay theo năm tháng. Không còn những ngày cắp sách đến trường, được sống vui hết mình với nhiệt huyết tuổi trẻ..Hết những năm tháng đó, thử thách đón chờ chân ướt chân ráo vào nghề, lơ ngơ lóng ngóng, còn non dại , nhìn mọi thứ màu hồng nay nghĩ lại thấy thật ngờ nghệch nhưng đầy kỷ niệm... Rồi quyết định làm mới mình, sự ích kỷ bản thân , thèm khát được bay bổng, hơn hết là tình yêu từ những người thương yêu ủng hộ... Rồi người ta đi... Đi để nhìn xung quanh cái lạ, cái hay, cái được sờ ...thoả mãn, được nếm sức bền, được biết nỗ lực vì điều gì đó?.! Được lĩnh hội, mở mang , vui mừng khôn tả.! Nhưng sự cố gắng, quyết tâm , nỗ lực của không đủ lớn.! Dù trước đến nay tự tin làm chủ được chính mình cân bằng được mọi thứ, nhưng quên mất một điều" Điều đó không chứng minh rằng " Đó là sự trưởng thành".Có vẻ như đúng với câu nói " Chỉ có áp lực lớn mới biết được khả năng của con người" Ko cho mình áp lực, chủ quan với người , với đời.Rồi vội vàng chấp nhận, buông bỏ cái điều nó đặt ra ngay từ ban đầu khi chọn! ... Khi nhận ra : Đó là sai lầm " lớn nhất trong cuộc đời thì khó có thể nào quên được...Tuy nhiên dù biết Sai nhưng sự cố chấp ngang bướng nó cho phép Hài lòng và gạt đi tất cả.! ... Ngã rẽ của cuộc đời, khi biết mình Sai nhưng vẫn luôn im lặng! Vì khi nhận ra cái Sai ai còn có thể thể biện minh cho mình, Khi con người ta mệt rồi, muốn dừng chân...! Người ta tiết kiệm lời nói hơn, tiết kiệm nụ cười cho nhau hơn ..! Và rồi đằng sau đó đầy nhưng suy nghĩ, lo toan , chen lẫn giữa bụi trần kiêm những chuyện đời.Người ta dần thơ ờ những câu hỏi , những mối quan hệ không tên , bắt đầu toan tính, mưu sinh cho cuộc sống.! Có khi nào giữa dòng người, đứng lại. Ai đã từng cảm thấy ngột ngạt ? Rồi cảm thấy bế tắc? Nhàn hạ thì chán nản, than phiền, thấy sự ỳ ạch rồi bản thân trách mình vô dụng, bất tài. Bận rộn quá mức thì thấy ko đủ tự tin gánh vác , ko đủ sức lực chống chọi . Nhưng nói cho cùng, làm điều gì khiến tâm thái an yên vui vẻ, dù khó khăn, dù mệt đến mấy.Vẫn thấy " yêu đời, yêu người. "Sốngchân tình chắc chắn được An Yên" Cũng từng hoài bão , ước mơ đủ đầy lắm nhưng nhận ra hoài bão và ước mơ thì đẹp còn tham vọng thì chưa từng tồn tại. Một vùng đất mới, nơi đó có thể ko đẹp , ko như hình tượng trước kia! Nhưng đổi lại ... Ở đó có thể vun đắp xây dựng từng bước từng bước...! Vì đơn giản muốn thôi... đừng vội đi nữa . Đi xa mấy cũng muốn dừng chân.!

Xem nhiều

Recent Posts

Text Widget