Trở về từ Cực Nam Tổ quốc đã gần 2 tháng, nhưng đến hôm nay mới
thật sự muốn viết vài điều về mảnh đất ấy. Trên khắp các nẻo đường đã qua, bản
thân luôn lo sợ khi trở lại với guồng quay cơm áo gạo tiền sẽ vô tình lãng quên
đi vẻ đẹp và tình người ở những nơi đó, chính vì thế, chọn cách ghi lại vài
dòng có lẽ sẽ lưu giữ được phần đa những cảm xúc trọn vẹn nhất.
Người ta vẫn nói Cà Mau xa lắm, đúng thế, tính từ trái tim cả
nước là thủ đô Hà Nội thì hành trình đến với Cực Nam Tổ quốc dài hơn hẳn so với
3 điểm cực còn lại. Nếu ai từng đến Trà Cổ, đến mũi Sa Vĩ, chắc hẳn đã nhìn
thấy cột mốc :"Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3260km". Hành trình
của tôi không dài đến như thế, khởi hành từ Hà Nội và như mọi lần khác, chẳng
biết gì về nơi mình sắp tới. Tám ngày rời xa văn phòng được dự kiến là sẽ chỉ
có 1 mình, nhưng rốt cuộc vẫn lôi kéo thành công 2 chiến hữu, những người đã
từng đồng hành trên khắp các nẻo đường Đông và Tây Bắc.
Theo lịch trình, tôi sẽ đặt chân tới Sài Gòn trước khi đến Cà
Mau. Điều may mắn trong nhiều nơi đã qua chắc chắn là luôn có những người bạn
cũ chờ sẵn ở đó. Được gặp lại nhiều gương mặt quen, nhiều vòng tay cũ, chính
những điều đó biến Sài Gòn rộng lớn thành nơi không hề xa lạ, thành nơi quây
quần bên nhau, nói về những ngày đã qua trong men say, nói về những ngày đã xa
trong kỷ niệm còn sót lại. Ở cái thành phố mà quán nhậu nhiều như nấm thật ra
rất thú vị, cụng ly vài lần, thế là khoảng cách gần lại. Rượu bia nhiều rõ ràng
không tốt, nhưng lúc đó dường như lại là phương tiện không thể tuyệt vời hơn để
hưởng trọn niềm vui ngày gặp lại.
2 ngày sau khi đặt chân tới Sài Gòn, tôi đón những người bạn
đồng hành và sẵn sàng cho chuyến hành trình tới Cực Nam. Sau rất lâu mới lại đc
khoác lên vai chiếc balo với đầy những máy ảnh, đồ ăn thức uống, đôi ba thứ
thuốc thang lặt vặt, và quan trọng hơn là niềm háo hức trải nghiệm không thể
lẫn vào đâu. Hôm đó, Sài Gòn mưa rất lớn do vẫn còn chịu ảnh hưởng của hoàn lưu
bão, và cũng thật không ngờ khi cơn mưa này lại theo chúng tôi đến tận điểm địa
đầu Tổ quốc.
Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, 5h sáng, đứng đợi ở đó là 1
người anh, người đồng đội đã từng sát cánh bên nhau trong những năm còn khoác
màu áo xanh tình nguyện. Thử thách của mỗi người trong cuộc sống là trưởng
thành, và chúng tôi cũng chẳng hề ngoại lệ . Rời xa ghế giảng đường, những đứa
sinh viên năm nào đều có con đường riêng, và anh tôi chọn cách làm ông giáo gõ
đầu trẻ ở nơi cách quê nhà tới hơn 2000 cây số. Vì chưa có gia đình, lại còn
trẻ nhất trong số những giáo viên ở cái trường cấp 2 đấy, nên hắn ta được cấp
cho hẳn 1 phòng riêng ngay tại trường, cai quản 1 cõi cùng 2 con chó, tự nấu
ăn, tự tắm giặt, ngoài ra còn có cái PC bầu bạn.
Theo kế hoạch đã đc lên từ trước thì ngày hôm sau chúng tôi mới
đi Cực Nam, nên sau khi nghỉ ngơi đôi chút, ăn sáng, tôi cùng 2 người bạn đồng
hành rủ luôn ông giáo làng đi thăm thú xung quanh. Điểm đến được lựa chọn là
rừng U Minh Hạ, nơi mà tôi chỉ từng đc biết đến qua phim ảnh và di tích Hòn Đá
Bạc. Vùng sông nước Cà Mau buồn đến nao lòng, cộng thêm cơn mưa lớn kéo dài,
nhưng rốt cuộc 2 xe và 4 con người vẫn cứ lao đi. Kết quả là đc phóng tầm mắt
đến những nơi thật rộng lớn. U Minh Hạ với rừng tràm trải dài ngút tầm mắt, Hòn
Đá Bạc nằm ven biển trời bao la như muốn thêm 1 lần khẳng định: ta lúc nào cũng
thật nhỏ bé. Ngày hôm đó, dù quần áo ướt sạch và cơ thể phải chống chọi lại với
cái lạnh, nhưng rốt cuộc đc sưởi ấm bằng những ly cafe mà có mơ cũng không tìm
ra đc ở đất Thủ đô. Lần nào trở về sau những chuyến đi miền Trung, miền Nam
cũng có chuyện để nói về cafe, và câu chuyện lần này là 4 ly cafe hết 37 ngàn.
Sau khi kết thúc chuyến đi ngắn, chúng tôi trở về để sẵn sàng cho 1 cuộc đoàn
tụ khá hoành tráng. Những con cua rất lớn vừa mới đc bắt lên, cộng thêm chút
hải sản mà tôi không biết tên cùng thùng bia ướp lạnh, mọi thứ quả thật rất
hoàn hảo. Thêm 1 trải nghiệm mới khi đc tự tay chế biến món lẩu cua Cà Mau, sau
đó thưởng thức giữa 1 đặc sản khác của miền sông nước là hàng đàn muỗi vây
quanh, chúng tôi chẳng biết đã say đắm vùng đất mới từ bao giờ.
5 giờ sáng, 2 chiếc xe lao đi, để lại thầy giáo trẻ vẫn còn chưa
tỉnh hơi men. Hành trình ngày hôm nay không còn xa, từ Trần Văn Thời tới Đất
Mũi chỉ mất khoảng 2 tiếng đường bộ và 2 tiếng đi tàu cao tốc, mọi thứ trên
đường đi đều thuận lợi, ngoại trừ cơn mưa lớn vẫn bám theo dai dẳng. Trên suốt
quãng đường không đc thời tiết ủng hộ đó, tôi mới thật sự cảm nhận đc nỗi buồn
của miền sông nước bao la. Tàu cao tốc đưa chúng tôi dọc theo con sông Năm Căn
để có thể đến đc với cái đích cuối cùng, cột mốc đánh dấu tọa độ GPS 0001. Ngày
trước, chỉ biết đến Năm Căn qua câu thơ trĩu nặng của tác giả Gia Dũng :"nhớ
má Năm Căn, thương em Cửa Việt", vậy mà lúc này, tôi đã ở đây... Ở nơi
địa đầu Tổ quốc, mọi người sống trên nhà nổi, đi lại, giao thương bằng ghe
thuyền, nét đặc trưng chẳng thể lẫn vào đâu ấy đôi lúc đan xen cùng những câu
hát cải lương làm lặng đi 1 kẻ vốn đầy náo nhiệt.
Ngay cả đến khi dừng chân bên cột mốc đánh dấu điểm Cực Nam của
Tổ quốc, những cơn gió lớn đi kèm mưa vẫn không chịu buông tha cho chúng tôi. Ở
rất xa về phía Bắc, theo những dòng tin nhắn của 1 người bạn, bao đôi chân xê
dịch tìm đến mùa lúa chín Mù Cang Chải cũng đang phải hứng chịu 1 cơn mưa lớn,
bất chợt trong đầu nảy sinh 1 dòng suy nghĩ kỳ lạ, đó là cuộc đời chưa lúc nào
vô vị cả. Đích đến của mỗi cuộc hành trình chưa hẳn là tìm thấy 1 nơi đẹp đẽ để
thỏa niềm mong ước, mà đôi khi, đó lại là nơi phải nép mình lại và dành thời
gian nghĩ về cả quãng đường đã qua. Chúng ta đi đâu phải lúc nào cũng vì có lý
do, chúng ta đi vì đc đi, chỉ thế thôi và đích đến chẳng phải là bất cứ nơi nào
ta muốn dừng lại hay sao? Cơn mưa của chuyến hành trình ấy đơn giản là khoảnh
khắc giúp ta có 1 phút giây sống chậm lại và ngắm nhìn nhiều hơn, cớ gì lại
không tận hưởng trọn vẹn...
Ngày trở về đan xen nhiều niềm vui và nỗi buồn. Bỏ lại cơn mưa
cùng miền sông nước bao la ấy, tôi lên đường với cái bắt tay thật chặt và lời
hẹn gặp lại của người anh em từng chung lưng đấu cật. Đất nước phát triển kéo
theo sự đi lên của các phương tiện giao thông, vì thế, khoảng cách địa lý cũng
như đc rút ngắn, chỉ mất vài tiếng đồng hồ là đã có thể gặp nhau. Nhưng sự hiện
đại ấy chẳng thể giúp chúng tôi có lại đc những ngày xanh, những ngày đen nhẻm
và lưng áo đẫm mồ hôi, sẵn sàng trải lòng ra để thấy không hề đơn độc. Ngoài
ông giáo làng, tôi còn đc gặp lại nhiều người bạn khác, những người muôn năm
cũ. Sài Gòn hoa lệ không hề xa lạ, và 1 đêm tại thành phố Vũng Tàu cùng anh em
bạn bè cũng để lại nhiều điều đáng nhớ. Ở nơi rất xa quê nhà nhưng vẫn được
thấy bao gương mặt quen, chắc chắn đây là điều may mắn nhất trong cả chuyến
hành trình Đông, Tây Nam Bộ.
Sau chuyến hành trình 8 ngày đó, tôi còn trở lại vùng đất nhiều
kỷ niệm, Hà Giang. Nhiều thứ đã thay đổi, đời sống tốt hơn, nhưng những điều
đọng lại đã không còn như trước nữa. Hà Giang ngày hôm nay cho cảm giác thật
vội vã, như chính chúng ta trên con đường đến với cái đích trưởng thành vậy. Và
tôi tự hỏi, nếu ngày trở lại Đất Mũi cũng như thế thì sao? Ngày trở lại Mũi
Đôi, cực Đông Tổ quốc cũng chẳng còn thấy rung động vì vẻ đẹp nữa thì sao? Liệu
sắc dã quỳ Đà Lạt sau này có dần nhạt nhòa trong tâm trí không, và liệu dải
miền Trung thương nhớ kia có còn nhớ thương nhiều như trước?
Và sẽ ra sao nếu ngày gặp lại những gương mặt quen, những vòng
tay cũ cũng không còn nhiều điều đọng lại?
Chỉ hy vọng những năm tháng còn lại trong đời, ta vẫn tìm thấy
nhau.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét