Những ngày qua, bất kỳ ai quan tâm đến
Thể thao, đặc biệt là thể thao nước nhà chắc hẳn sẽ biết đến vụ việc: Tuổi thật
của tuyển thủ U19 Việt Nam, Nguyễn Công Phượng là bao nhiêu?
Công Phượng, cùng đồng đội
trong tuyển U19 chính là những cái tên đã đem lại cho người hâm mộ niềm tin vào
bóng đá nước nhà, thứ mà đã từ lâu được coi là rất xa xỉ.
Và chàng trai nghèo sinh ra ở mảnh đất
Đô Lương, Nghệ An đó đang vướng vào một câu chuyện lùm xùm: sự thật là em sinh
năm 1995 hay 1993?
Tôi không quan tâm em sinh năm nào, em
bao nhiêu tuổi, cái làm tôi chú ý hơn cả lại là câu chuyện đằng sau, câu chuyện
về niềm tự hào.
Nguyễn Công Phượng, hay Trần Văn A, Phạm
Thị B nào đó, nếu may mắn được sinh ra dưới một mái nhà có vòng tay chăm sóc
của cha mẹ, chắc hẳn đều hiểu rằng họ được kỳ vọng như thế nào. Có những người
cha, người mẹ mong con mình trở thành kỹ sư, bác sĩ, còn với Công Phượng, em
chỉ có 1 niềm đam mê duy nhất với trái bóng tròn, ước mơ của em gắn liền với
sân cỏ và tuyệt vời biết bao khi em được ủng hộ để thực hiện điều đó.
Cái giá để đến với Học viện Hoàng Anh
Gia Lai Arsenal JMG của Công Phượng là 2 con lợn, chính
số tiền bán lợn là lộ phí cho hành trình bắt xe vào Pleiku thi tuyển của 2 cha
con. Để rồi thành quả thì chắc ai cũng biết, bóng đá nước nhà đang sở hữu một
số 10 tài năng đến như thế nào ở thời điểm hiện tại.
Đến đây, xin phép hướng câu chuyện sang
một điều vốn dĩ quen thuộc: Con nhà người ta.
Bạn đã bao giờ bị cha mẹ trách mắng khi
bị điểm kém, khi làm sai việc gì, rồi so sánh bạn với "Con nhà người
ta"? Tôi đã từng, và tôi tin rằng rất nhiều người cũng đã từng bị như thế.
Những lần so sánh đó, vô tình làm ảnh hưởng xấu đến tiềm thức của rất nhiều
người trong chúng ta. Vô tình gây cho chúng ta bao áp lực, sự cáu giận và mất
dần đi động lực thúc đẩy.
Bạn đã từng may mắn khi xin phép cha mẹ
được theo đuổi một sở thích cá nhân mà nhận được sự đồng ý chưa? Hay chỉ là
những cái lắc đầu, những lời đay nghiến, những sự định hướng trái với mong muốn
đó?
Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp như
thế, kiểu như :"ko vẽ vời gì hết, hãy thi trường Y đi", hay
như "đàn ca sáo nhị sau này chỉ có đi hát rong thôi"...
Vậy thì, xét ở một khía cạnh nhỏ, cha mẹ
của cầu thủ Nguyễn Công Phượng thật tuyệt vời biết bao. Chính em, là niềm tự
hào của gia đình, hay rộng hơn, là của cả xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ
An, của những người hâm mộ bóng đá nước nhà chân chính.
Cha mẹ em, rồi cả những người dân của xã
Mỹ Sơn, nếu đúng như những gì báo chí viết, thì rõ ràng tôi thấy họ chẳng có
lỗi gì. Tôi chỉ cảm thấy xúc động, thật sự xúc động vì những gì họ đã làm, đơn
giản là để bảo vệ cho niềm tự hào mang tên Nguyễn Công Phượng. Cứ cho tuổi thật
của em đúng là 21, thì em chắc chắn vẫn rất hạnh phúc vì cha mẹ em, những người
thân, những người dân chất phác ấy đã làm tất cả để em không phải chịu đựng
những áp lực từ dư luận, để em vẫn tiếp tục tỏa sáng, tiếp tục là niềm tự hào của
biết bao người.
Với niềm tin từ một người luôn ủng hộ
bóng đá nước nhà, hy vọng em, dù 21 hay 19 tuổi, dù gian lận hay không vẫn luôn
sẵn sàng vượt qua để viết tiếp những trang mới cho nền bóng đá Việt Nam vốn từ
lâu đã mục ruỗng.
Đừng để những điều chưa chắc chắn giết
chết một chàng trai còn quá trẻ.
Tất nhiên, những dòng này không hề cổ
súy cho một nền thể thao gian lận. Đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân, sự
kính trọng dành cho hành động mà cha mẹ, người thân, hàng xóm láng giềng dành
cho Nguyễn Công Phượng. Đó mới chính là điều quan trọng nhất với em, giúp em
chân cứng đá mềm, chứ ko phải là Dư luận, không phải là thành tích...
Có một điều cuối cùng như thế này, trên
áo đấu của CLB Chelsea tại Champions League, luôn có dòng chữ "Right to Play".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét