Hôm nay, trên đường từ Tràng Thi ra Điện
Biên Phủ, bất chợt nhìn thấy chuyến tàu Bắc Nam đang dần tiến vào ga Hà Nội, có
thứ cảm xúc mơ hồ khó tả hiện về, thôi thúc tôi viết điều gì đó, viết về những
chuyến tàu tôi đã từng đi.

Hoả xa có ở Việt Nam từ cuối
thế kỷ 19, trải qua bao biến động lịch sử vẫn đóng vai trò quan trọng trong
việc vận chuyển hành khách và hàng hoá. Dẫu xã hội
có phát triển hơn, nhiều phương tiện giao thông mới ra đời, nhanh hơn, tiện lợi
hơn, xe lửa vẫn sừng sững ở đó với những đường ray trải dài dọc đất nước.
Trước đây khi nói về những cuộc hành
hương mỗi dịp Tết đến xuân về của người học tập và lao động xa quê, người ta
nghĩ ngay đến hình ảnh của chuyến tàu đầy ắp nụ cười với niềm hân hoan được trở
về nhà, trong dịp lễ đoàn viên sau một năm dài đằng đẵng. Giờ đây, khi máy bay
đã trở nên phổ biến hơn, xe đò xuất hiện nhiều hơn ở khắp mọi miền Tổ quốc, tàu
hoả dần trở thành thứ phương tiện quê mùa cục mịch, ồn ào và chậm chạp…
Tự nhận mình là một người trẻ ưa xê
dịch, tôi luôn ưu tiên tàu hoả cho những chuyến đi dài nếu thảnh thơi về thời
gian, không chỉ an toàn, đó còn là nơi tôi nhìn Việt Nam bằng một góc nhìn mang
nhiều màu sắc cá nhân.Với tôi, đi tàu hoả như là cách để sống chậm lại vậy.
Không quá vội vã và xô bồ như máy bay hay xe đò, ở mỗi toa tàu dường như là một
cuộc sống thu nhỏ, ở đó con người ta lướt qua nhau trong một không gian chật
hẹp. Tôi không thích những khoang giường nằm trên tàu hoả, vì đơn giản tôi cảm
thấy tù túng trong một chiếc hộp bé xíu mà người ta gọi là giường, và dường như
tình người ở đó cũng không đủ ấm áp so với những khoang ghế ngồi.
Không nói đến việc di chuyển bằng phương
tiện cá nhân, thì khi được ngồi trên một chuyến tàu Bắc-Nam từ Hà Nội vào Sài
Gòn mới có thể thấy Việt Nam đẹp đến nhường nào, nhưng cũng đau đáu biết bao
nhiêu. Quãng đường dọc đất nước trải dài hơn 1700 km là đủ để ta nhìn thấy sự
thay đổi qua từng vùng miền, ở mỗi mảnh đất mà chuyến tàu lăn bánh qua đều in
hằn những dấu vết thời gian. Non sông hùng vĩ hiện ra ngay trước mặt ta là khi
tàu đi qua đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng, vịnh Lăng Cô với những bãi cát đẹp đến
mê hồn nằm dưới chân con đèo ấy. Là khi ta cảm giác chỉ cần với tay ra ngoài ô
cửa sổ là có thể chạm đến làn nước biển trong vắt ở Phú Yên… Ta biết mình đã
trưởng thành khi nhận ra tàu đi ngang khúc ruột miền Trung nghèo xác xơ, trong
lòng có gì đó thắt lại và cảm giác day dứt cứ kéo dài âm ỉ, trên chiếc loa vẫn
hay phát ra tiếng thông báo của đoàn tàu, nay lại vang lên giai điệu của bài
hát Quảng Bình quê ta ơi. Ở những trạm dừng chân lâu, tôi thường hay xuống mua
đồ ăn ở đấy, rẻ và ngon hơn đồ ăn có sẵn ở trên tàu rất nhiều, hỏi han bâng quơ
một vài câu với người bán hàng. Làm sao mà quên được những món ăn ngon lành
nóng hổi ở ga Đà Nẵng, hay xa hơn chút nữa là ga Diêu Trì ở Bình Định… Cảm giác
cầm chiếc đùi gà vừa mua trên tay, còn chưa hết hoan hỉ, thì một người đồng
hành xa lạ nào đó ngồi cùng toa mời cụng với họ lon bia, thật tuyệt! Hay những
chuyến tàu chỉ bó hẹp trong phạm vi miền Bắc cũng mang lại nhiều xúc cảm. Dừng
chân ở ga Hải Phòng, tản bộ ra Nhà hát lớn gần đó, rồi ngồi vỉa hè ăn bát bánh
đa cua đặc sản của vùng đất này, xuýt xoa về một thành phố Hoa phượng đỏ ồn ào
chẳng kém Hà Nội, nhưng không khí lại thoáng đãng và sạch sẽ hơn rất nhiều… Rồi
có lần trở về từ Lào Cai, chuyến tàu đến ga Hàng Cỏ khi mặt trời còn chưa mọc.
Đi bộ vài cây số về nhà để tranh thủ ngắm một Hà Nội còn đang ngái ngủ trong
cái lạnh giá của mùa đông, tận hưởng giây phút trong lành hiếm hoi của Thủ đô,
man mác trong tâm trí là những ngày đã trôi về nơi rất xa.
Tôi chỉ mong có thời gian để làm lại
những ngày như thế. Sẽ chọn cho mình những chuyến tàu chậm rãi nhất mang ký
hiệu TN hay SP để có thể ngắm nhìn thêm nhiều điều dưới góc nhìn của bản thân.
Tất nhiên, một cuộc trò chuyện ngắn hay một món ăn nào đó đều không thể giúp ta
hiểu rõ ràng nhất về những mảnh đất ta đã từng đi qua, nhưng đó lại là cách cảm
nhận dung dị và đời thường nhất mà tôi nghĩ là vừa đủ cho chính mình
Những ngày rong ruổi để biến tuổi thanh
xuân trở thành hồi ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét