Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Nhớ cái thuở cắp sách tới trường, mình cùng hai đứa bạn thân trong nhóm cũng ham hố viết lách lắm. Ban đầu cũng ngu ngơ lắm, chả biết cái gì đâu nhưng được con bạn thân nó chỉ là viết bài đi gửi báo, gửi đài phát thanh nếu được phát thì có nhuận bút đấy. Gì thì không biết nhưng cứ nghe tới có nhuận bút, có tiền là sướng lắm nên mò mẫm học theo nó viết viết, chép chép rồi gửi rồi chờ tin. 
Kết quả hình ảnh cho hoài niệm
Ngày đó cứ mỗi lần tới 11h thứ 7 là ba đứa đứa nào cũng hồi hộp, nôn nao, thường thì hết tiết sinh hoạt mới được về mà chạy cho bở hơi tai về tới nhà cũng đã mất nửa thời gian phát sóng. Thế là ba đứa nghĩ ra một kế nhờ mẹ, nhờ anh trai nghe giùm rồi về thông báo lại. Mỗi lần mà nghe kể có bài của đứa này đứa kia là mừng rơn luôn ấy. Cái thời những đầu của năm 2000 ấy, tiền trả nhuận bút cho mỗi bài được phát sóng cũng chỉ 15 hay 20 nhiều thì được 50 ngàn nhưng mà sao nó to tát thế không biết nữa. Cái cảm giác mỗi lần ông bưu điện gửi giấy lĩnh tiền mỗi tháng về sao mà sung sướng đến vô ngần. Cứ thế ba năm trung học trôi qua vèo bên cạnh những lo toan bài vở trên lớp thì va đứa bạn thân của nó cũng cùng nhau chia sẻ niềm vui qua những trang thơ, những dòng viết chan chứa những cảm xúc của lứa tuổi học trò...
Ngày ấy kể ra cũng lạ, nhìn thấy cái gì, món gì cũng ngay lập tức trở thành nguồn cảm hứng bất tận, có khi chỉ là những bông hoa rua muống cuối mùa khi đông về gõ cửa hay những những bông hoa khế li ti mỗi khi xuân đến, hay chỉ nhìn lá bàng lác đác rơi rụng... hay hình ảnh của đứa bạn thân ngồi bên cạnh trong lớp học mỗi ngày... Tất cả đều hồn nhiên, trong trẻo, tinh khiết như nắng sớm ban mai không chút vướng bận, sầu lo... Tuổi học trò êm đềm trôi qua như thế với cái tên bút nhóm Hoa Cỏ May.. Ngày tốt nghiệp trung học, mỗi đứa lựa chọn cho mình một hướng đi khác nhau, lựa chọn một con đường khác nhau để bước tiếp nên khoảng cách cũng dường như xa ra... Thời gian đầu có lẽ chưa quen với môi trường mới nên tần số những bức thư gửi cho nhau cũng dày hơn, trong số những lá thư ấy là chuyện trường chuyện lớp, chuyện nơi giảng đường... rồi chuyện cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người. Dần dần thì mọi thứ đều đi vào quỹ đạo. Năm hai năm ba thay vì những chuyện lớp chuyện giảng đường thì thay vào đó là chuyện đứa này để ý đến một anh chàng nào đó cùng khóa, cùng trường... Cũng đúng thôi, mình từng nhớ có ai đó từng nói hay mình đọc được câu này ở đâu đó( mà không nhớ, khổ thân nhiều khi cái trí nhớ nó cũng có vấn đề) " rồi ai cũng phải lớn" . Những lá thư tay thưa dần rồi vắng bặt hẳn luôn...
Nhiều lúc ngớ ngẩn lại nghĩ, chắc ai cũng bận. Kể thực thì bản thân ai cũng bận, ví như mình ngày trước thời gian chủ yếu để học, để viết bài và phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, nhưng thời gian của thời sinh viên, giờ nghĩ lại sao mà mình lãng phí nhiều đến thế. Chỉ mùa thi lũ bạn mới rủ nhau thức khuya ôn bài đến tận sáng sớm có khi thức trắng đêm tới giờ lên phòng thi luôn, còn nữa ngày thường lên giảng đường rồi về phòng trọ và kiếm việc làm thêm trang trải cho cuộc sống, quỹ thời gian còn lại dành để yêu... Ôi nghĩ lại cái thời tuổi trẻ ấy sao mà thấy mình khờ dại đến thế. Lâu lâu buồn buồn lại mang bút giấy ra viết, viết toàn những thứ không ra đầu không ra cuối, chả nhập nhằng gì với nhau nhưng tiền nhuận bút vẫn được nhận đều đều, đủ để thi thoảng dẫn đứa em gái đi ăn chè hay buồn buồn rủ con bạn thân man mát cùng lớp cùng xóm trọ ra quán chè giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt của những ngày cuối năm chỉ để nhấm nháp hũ sữa chua lạnh cóng rồi ngồi run cho hàm răng va vào nhau lập cập... giờ nghĩ lại thấy có những phút mình bị điên đến lạ... Và hình như ai cũng bước qua tuổi trẻ những ngày điên như thế....
Rồi giã từ những năm tháng giảng đường , bước vào một chặng đường mới với những lo toan và mục tiêu khác nhau của một đứa tha phương lạc lõng nơi đất khách quê người. Những ngày tháng đầu tiên ấy sao mà khó khăn đến lạ, cuốn nhật kí ngày nào không còn dành cho những mơ mộng, lạng mạn của thời thiếu nữ nữa mà là chi chít những nỗi lo về cơm áo gạo tiền thực sự... Và hơn hết vẫn là se sắt, đau đáu một nỗi nhớ quê da diết, tái tê mỗi lúc trời trở gió hay nghe tin miền Trung bão lũ...
Kể ra, con người có thể bôn ba trên khắp các nẻo đường khi tuổi còn trẻ, sức còn khỏe, và hùng hực khí thế nhưng chỉ có duy nhất một chốn để hướng về đó là quê hương, nơi đó cột chặt nỗi nhớ trong ta bởi mẹ, bởi cha , bởi những ngày thơ bé đầu trần chân đất chạy dài trên triền đê hóng gió thả diều hay những trưa ngụp lặn trong làn nước mát lành, trong veo của dòng sông quê... Những lúc ấy chỉ muốn gác lại mọi thứ xách ba lô lên và về nhưng sau lưng lại là chuỗi lo toan nặng trĩu của cuộc đời... Để mỗi mùa đông về gọi điện í ới cho mẹ cho cha, đằng sau câu hỏi thăm “ trời đã lạnh chưa mẹ?” là chút gì mằn mặn ở đầu môi, gác máy thật nhanh sau câu dặn dò “ mẹ nói cha mặc áo ấm vào nhé”. Để rồi mỗi khi mọi người rục rịch chuẩn bị cho cái tết đoàn viên, mắt mẹ lại mỏn mỏi dõi hoài theo những chuyến xe khách bên đường quốc lộ những ngày cận kề... Nhớ lắm, thương lắm nhưng mà xa lắm... Nỗi niềm mà bất cứ đưá con nào xa quê cũng đau đáu trong lòng...
Bỗng thấy mình chấp chới giữa hai hai bờ thương nhớ...


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Xem nhiều

Recent Posts

Text Widget